Nhịp sống làng chài

03:06, 09/06/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Khác với nhịp sống ồn ào, vội vã ở bến cảng lớn sau những chuyến biển dài ngày thuyền cập bến vào bờ, nhịp sống ở làng chài Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức) rất yên bình. Ở đây, thu nhập mỗi chuyến ra khơi của ngư dân bãi ngang không là bao, song với họ, mỗi chuyến ra khơi không chỉ là mưu sinh hằng ngày, mà ở đó còn là tình cảm bền chặt của họ gắn với biển và tình người với nhau. 

TIN LIÊN QUAN

Ở làng chài Kỳ Tân, phương tiện đánh bắt của ngư dân chủ yếu là thúng chai. Họ hoạt động khai thác cách bờ khoảng 10 hải lý trở vào. Mỗi chuyến biển, ngư dân thường bắt đầu lúc 3 giờ sáng cho đến trưa thì cập bến. 

 

Đối với ngư dân, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi khi thúng cập bến về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi của người thân chờ chồng, chờ con... cập bến trở về.
Đối với ngư dân, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi khi thúng cập bến về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi của người thân chờ chồng, chờ con... cập bến trở về.

 

Thúng cập bến, không phân biệt thúng của ai, những ngư dân và người thân cùng nhau hợp sức lần lượt đưa các thúng lên bờ. 

 

Sau gần một ngày bươn bả cùng với sóng gió, niềm vui lại đến cùng với ngư dân và người thân khi thúng về nhiều mực, cá...

 

Thường mỗi chuyến đi như vậy nếu may mắn ngư dân có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng. Số tiền mỗi ngày tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân làng chài này một cuộc sống ổn định hơn, nuôi bao con cái có chí vượt khó mà học thành tài.

 

Sau thời gian long đong trên biển, những chiếc thúng chai nằm nghỉ ngơi trên bãi cát, ngư dân trở về nhà để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo. Thanh âm cuộc sống ở làng chài Kỳ Tân một ngày là như thế. Nó đã được lặp đi lặp lại trong suốt bao nhiêu năm qua. Sự nhẫn nại và kiên trì giúp ngư dân ở đây vượt qua biết bao khó khăn, sóng gió. Dù cuộc sống có biết bao nỗi gian lao, nhưng người dân vẫn tiếp tục gắn bó với nghề biển quê hương mình.

 

Bảo Ngọc