Đêm hội tụ thanh sắc của núi rừng

07:05, 19/05/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Vừa qua, tại huyện Trà Bồng các nghệ nhân dân tộc H'rê, Kor, Ca dong, Ca Tu, Xơ đăng, Thái đến từ các huyện miền núi trong tỉnh, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã có dịp hội ngộ tại đêm Giao lưu nghệ thuật các dân tộc. Có thể nói, đây là đêm hội tụ thanh sắc của núi rừng phản ánh nét đẹp văn hoá các dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Trong đêm nghệ thuật tràn đầy màu sắc, khán giả được chìm đắm trong tiếng ngân của cồng chiêng, những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ của đồng bào các dân tộc cùng hòa quyện trong sắc áo rực rỡ của trai thanh nữ tú miền cao... khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

 

Đến với đêm giao lưu, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Quỳ Châu (Nghệ An) đã đem đến làn điệu dân ca Nhuôn. Đây là một làn điệu dân ca Thái rất phổ biến. Đồng bào Thái hát Nhuôn trong các cuộc vui như mừng nhà mới, đón dâu, mừng có khách quý, mừng đắp xong mương phai, mừng được mùa...

 

Các cô gái dân tộc Thái biểu diễn điệu Khắc Luống- tái hiện lại nét sinh hoạt văn hoá hàng ngày của người Thái. Khắc Luống được xếp thuộc vào loại nhạc cụ thô sơ và là một trong những nhạc cụ có sớm nhất. Khi Khắc Luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng tạo nên những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập, tùy theo cách mà người ta quy định.

 

Nghệ nhân người H're Đinh Ngọc Su biểu diễn nhạc cụ Tà Vỗ. Theo nghệ nhân Đinh Ngọc Su những giai điệu âm thanh của nhạc cụ Tà Vỗ là nỗi lòng của người H're chân chất, hồn nhiên như con suối trong vắt bốn mùa róc rách, như lời nhắn gửi, thăm hỏi chân tình trong cuộc sống, như điệu ru của mẹ trên nương... Đối với trẻ em chăn trâu đó còn là những lời gọi bạn....

 

Những chàng trai, cô gái Ca Dong huyện Bắc Trà My mang đến đêm giao lưu những nét văn hóa riêng của dân tộc mình.

 

Những chàng trai, cô gái dân tộc Kor Tây Trà đem đến tiết mục đánh cồng chiêng, múa Cà đáo đặc trưng của dân tộc mình để cùng hòa quyện trong bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trong đêm giao lưu.

 

Nghệ nhân Hồ Văn Thanh độc tấu đàn Katak- một nhạc cụ truyền thống của người Kor miền Tây Quảng Ngãi. Cây đàn làm từ những vật dụng đơn sơ của núi rừng như tre, nứa, lồ ô, mo cau, dây nhợ đã phát ra những thanh âm du dương, trầm bổng, nghe đến mê lòng.

 

 Trong đêm giao lưu, ấn tượng và hấp dẫn nhất là màn đấu chiêng của những chàng trai Kor. Họ cùng đọ “tiếng”, tiếng chiêng dồn dập lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng lúc mạnh mẽ như trạng thái của hai chàng trai. Tiếng vỗ tay hưởng ứng mỗi lúc một to hơn, người xem thích thú khi được chứng kiến màn đấu chiêng này.

 

iếng đàn bró trầm đục cất lên từ
Nghệ nhân Nguyễn Văn Điều chinh phục người nghe với những âm thanh trong trẻo, lúc trầm, lúc bồng  cất lên từ cây đàn Brook

 

Nghề nhân Hồ Thị Non và Hồ Thị Thủy dân tộc Kor thể hiện tiết mục song tấu kèn Amap. Đối với người phụ nữ Kor ngày xưa, kèn Amáp là người bạn tâm tình, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, có tác dụng nhân lên niềm vui, xua tan mọi nỗi ưu phiền, vất vả.

 

Giữa rừng không gian núi rừng, tiếng đàn Ka tak, Brook, tiếng kèn a máp... hòa điệu cồng chiêng vang lên làm cho vùng đất quế Trà Bồng như bừng tỉnh. Sự kết hợp độc đáo của màu sắc, ánh thanh đã làm nên một đêm giao lưu đầy ấn tượng. Nhưng hơn cả, chương trình đã làm sống lại không gian văn hóa riêng của mỗi dân tộc.  Qua đó nghệ nhân các thế hệ thể hiện ngọn lửa đoàn kết, quyết tâm cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.



Bảo Ngọc

.