"Mặc áo" cho ruộng tỏi

08:12, 17/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Để  bảo vệ cho những ruộng tỏi phát triển tốt, ngoài việc bỏ công chăm sóc, đầu tư phân bón thì người dân Lý Sơn còn phải đầu tư mua lưới làm bờ chắn xung quanh ruộng tỏi để cây tỏi không bị hư hại khi gặp những cơn gió lớn thổi từ biển mang nước mặn vào. Nhiều người ví von, những tấm lưới chắn bao bọc xung quanh những ruộng tỏi như những "tấm áo" bảo vệ cho cây tỏi trước những điều kiện khí hậu trên đảo.

TIN LIÊN QUAN

 

 Trên cánh đồng tỏi ở thôn Đông, xã An Hải, hòa cùng màu xanh mướt của những ruộng tỏi là màu của những tấm lưới che chắn bao bọc xung quanh. 

 

Bắt đầu từ tháng 9 hằng năm, khi vào vụ trồng tỏi, cùng với việc đầu tư giống, phân bón thì người dân trồng tỏi còn đầu tư tiền để mua lưới làm bờ chắn cho ruộng tỏi. Lưới làm bờ chắn là loại có mắt lưới rất nhỏ. Bình quân mỗi sào tỏi cần khoảng 10kg lưới mới có thể làm đủ bờ chắn. Với giá lưới hiện nay khoảng 60.000 đồng/kg, tính ra tiền chi phí chưa kể công khoảng 600.000 đồng/sào. Do phải chịu đựng hơi nước mặn và gió nên thường số lưới làm bờ chắn chỉ sử dụng khoảng 2-3 vụ mùa là hỏng, phải mua lưới khác để thay.

 

Song song với đầu tư tiền mua lưới, ngoài việc tận dụng cây gỗ cũ, cây dứa để làm cọc, thì nhiều hộ gia đình còn đầu tư những cọc bê tông khá kiến cố để sử dụng lâu dài.

 

Theo người dân trồng tỏi cho biết, nếu không có bờ chắn bằng lưới này thì chỉ cần vài hôm, tỏi sẽ bị gió thổi vào làm ngã dập và hư hỏng hết.

 

Ông Trương Thanh Trung ở thôn Đông, xã An Hải cho biết, số diện tích nằm phía trong khuất gió còn đỡ, chứ nằm phía ngoài gần mép biển thì ngoài phủ lưới còn phải trồng thêm cây, che thêm lá dừa khô... thì mới chắn và làm giảm được sức gió thổi vào làm hư ruộng tỏi. 

 

Để cây tỏi  bám rễ, sinh trưởng trên cát biển là cả một quá trình đổ mồ hôi của những người dân nơi đất đảo.

 

Cùng với hành, thì tỏi là cây trồng chính, mỗi vụ Lý Sơn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 5 nghìn tấn hành tỏi khô, mang về một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cư dân trên đảo”.

 

 Bảo Ngọc