Lưới điện hạ áp nông thôn: Nguy hiểm chực chờ!

10:10, 07/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Hình ảnh những cột điện tạm bợ, xiêu vẹo, dây diện kéo ngang, kéo dọc chẳng khác nào mạng nhện... là những hình ảnh không khó để chúng ta bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt là một trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Thời gian qua, các cấp chính quyền cũng như ngành điện đã nỗ lực nâng cấp, cải tạo nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống lưới điện nông thôn. Tuy nhiên, những bất cập từ thực trạng quản lý và nhận thức về sự nguy hiểm này ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh vẫn chưa được đề cao, nên nhiều nơi hệ thống lưới điện hạ áp đã bị xuống cấp, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn điện.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số địa phương trong tỉnh, đúng là có đi mới thấy, sự nguy hiểm và mất an toàn hiện rõ từ hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn.

 

Với hình ảnh những đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo lên nhau như “mạng nhện” ai nhìn cũng "ớn lạnh" dọc theo con đường trong các thôn, xóm, không khó để chúng ta nhận thấy thực trạng hệ thống lưới điện nông thôn đang xuống cấp nghiêm trọng.

 

Dọc các con đường liên xã, liên thôn ở nhiều địa phương của Tư Nghĩa, Bình Sơn... không cần phải để ý kỹ, người đi đường nào cũng có thể nhận thấy nguy hiểm rình rập từ hệ thống lưới điện nông thôn. Từ các loại cây tre, bạch đàn, cho đến khúc gỗ đều được người dân tận dụng để làm cột điện, thậm chí có đoạn, đường dây điện rơi xuống sát mặt đất. 

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đơn vị cung ứng điện năng mới chỉ lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng chứ chưa chú ý đến hệ thống điện được các gia đình câu, mắc tùy tiện, chắp vá, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Không ít người dân sử dụng thân cây tươi hay lợi dụng địa hình để câu, móc điện… tùy tiện.

 

Không ít “trụ điện” kiểu này đã mục nát, xiêu vẹo theo thời gian.

 

Nhiều nơi, đường dây điện được giăng mắc ngay sát trên mái nhà. Thực trạng này rất nguy hiểm, dễ gây ra chập điện, cháy, nổ.

 

Nguy hiểm hơn cả là việc, người dân tự ý đấu nối đường dây điện, kéo điện đến nhiều nơi để phục vụ cho việc sinh hoạt, sản xuất. Thậm chí, một số hộ dân ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) kéo điện "vượt” qua cả ao hồ, chỉ bằng những trụ tre tạm bợ không an toàn, dây điện rất gần với mặt nước.

 

 

Vào mùa mưa, các loại trụ điện tạm bợ kiểu này khiến cho không ít người phải nơm nớp lo sợ. "Mỗi khi có mưa gió lớn, việc đi lại dưới đường dây đi như thế này không khác nào đùa với “tử thần”- chị Nguyễn Thị Lan Hương ở xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) thường xuyên chăn thả gia súc trên đồng chia sẻ.

 

Đó là chưa kể tình trạng nhiều người dân tự ý đấu nối dây điện một cách vô tội vạ, không đúng quy định, vào mùa mưa bão dễ dẫn đến tình trạng chập điện rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

 

Cây xanh leo bám cả lên hệ thống dây điện, thế nhưng người dân cũng như các đơn vị kinh doanh điện vẫn không tổ chức phát quang. Điều này rất nguy hiểm cho người dân, bởi nguy cơ dẫn điện từ những cây xanh leo bám này rất cao.

 

Không chỉ đường dây điện nguy hiểm mà hình ảnh nhiều công tơ điện “bám” vào một cột điện là chuyện hết sức bình thường ở nông thôn. Đáng ngại là, có những công tơ nằm cách mặt đất chưa đầy 1m, đúng tầm với của trẻ em và rất nguy hiểm cho người khi qua lại khu vực này.

 

Nhiều hộ gia đình vẫn đang từng ngày, từng giờ sử dụng hệ thống điện thiếu an toàn. Ngăn chặn nguy cơ cháy nổ do sử dụng điện không an toàn là hết sức cần thiết.

 

Theo một số công ty cổ phần điện các huyện, thì do mới thành lập nên còn một số khó khăn, nguồn lực kinh tế còn hạn chế nên chưa thể đầu tư cùng lúc mạng lưới điện nông thôn ở các địa phương đang quản lý. Trong khi, phần dây ra sau công tơ là tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện. Mặc dù các đơn vị thường xuyên tuyên truyền công tác an toàn sử dụng điện đến các hộ dân, khách hàng sử dụng điện, song một phần do kinh tế của nhiều hộ dân còn khó khăn, một phần do tư tưởng chủ quan nên người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế.

 

Thực hiện: Bảo Ngọc