Người cao tuổi giữ "pháo đài"

09:08, 12/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ kêu gọi: “Mỗi gia đình phải biến ngôi nhà của mình thành pháo đài chống dịch”. Kể ra, phải biến ngôi nhà của mình đang ở thành “pháo đài” cũng không dễ, nhưng sự nguy hiểm của dịch bệnh thì ai cũng đã biết, tuy mức hiểu biết về nguy cơ có thể không đồng đều. Nhưng người cao tuổi, người có bệnh lý nền được khuyến cáo phải hạn chế đến mức tối đa ra khỏi nhà, tới những chỗ tập trung đông người, là một khuyến cáo rất đáng phải tuân thủ.
Đà Nẵng và Quảng Nam đã có 10 ca tử vong liên quan đến Covid-19, trong đó toàn là người cao tuổi và nhất là, người có bệnh lý nền nghiêm trọng và nguy kịch. Không ai muốn đi nằm bệnh viện, nhưng khi bị bệnh nặng, bệnh mãn tính có nguy cơ cao, thì phải vào điều trị tại bệnh viện. Nhưng cũng không ai ngờ, tại Đà Nẵng, cụm 3 bệnh viện lớn nhất lại thành ổ dịch lớn nhất. Và những bệnh nhân tại đây thành những người phải gánh chịu cảnh “bệnh chồng bệnh”. 
 
Dịch Covid-19 làm tăng khả năng nguy kịch cho những bệnh nhân có bệnh lý nền mãn tính. Đó là điều ngành y tế đã biết, nhưng chữa trị thế nào với những ca nặng như vậy thì quả tình vẫn rất khó. Khi chúng ta tập trung chữa trị thành công cho bệnh nhân Covid-19 số 91 người Anh, thì đã có tâm lý chủ quan xuất hiện, cho rằng ngành y tế Việt Nam có thể đương đầu với những ca bệnh khó nhất. 
 
Chúng ta quên rằng bệnh nhân người Anh này mới 43 tuổi và không có bệnh lý nền. Vì thế mới được lái máy bay. Tuy anh bị nhiễm dịch rất nặng, rất nguy kịch, nhưng nội lực đề kháng của anh lại tốt vì còn trẻ và là người khỏe mạnh khi chưa nhiễm dịch, nên khả năng phục hồi phải tốt hơn những người cao tuổi lại mắc nhiều bệnh lý nền. Lần tái phát dịch này chưa biết có phải là “làn sóng thứ hai” không, nhưng độ nguy hiểm thì cao hơn lần trước, điều này ai cũng thấy. Vì vậy, sự đề phòng phải nghiêm ngặt hơn lần trước. Không sợ hãi, nhưng không giây phút nào được lơ là.
 
Người cao tuổi, thôi thì nhận vai trò “người canh giữ pháo đài” vậy, bằng cách hạn chế tối đa ra ngoài đường, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài. Bảo vệ mình, chính là bảo vệ những người thân của mình. Đừng để như một gia đình ở Quảng Nam, có tới 7 người mắc Covid-19 trong một nhà, quá nguy hiểm và đau lòng.
 
Đợt dịch này chưa ai biết sẽ kéo dài bao lâu và sau nó còn đợt dịch nào khác nữa, nên chuẩn bị tâm lý tốt sẵn sàng chịu nhiều đợt dịch là việc cần thiết nhất bây giờ. Đừng nghĩ một đợt dịch qua là xong, mình sẽ không bị đợt dịch nào nữa. Cả thế giới đang bị đợt dịch thứ hai và chưa biết bao giờ kết thúc. Tôi mới nhận được email của một giáo sư Việt kiều sống ở Paris, vợ chồng ông cũng phải “cố thủ” trong nhà từ 3 tháng nay, chỉ thỉnh thoảng mới có dịp ngồi ở một quán quen của vợ chồng người em thân thiết. Thành phố đã cho phép quán này mở thêm 16m2 vỉa hè để khách ngồi thoáng đãng hơn trong mùa hè. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng trong tinh thần “cảnh giác cao”. Vậy đó. Nghĩa là phải chuẩn bị tâm lý chống dịch lâu dài, thậm chí “sống chung với dịch bệnh”. 
 
THANH THẢO
 

.