Cần xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam

09:08, 25/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm qua (1997-2017), Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã có những đóng góp to lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tuy nhiên, theo Chính ủy BĐBP tỉnh, Đại tá Trương Quang Đảng, Pháp lệnh BĐBP còn nhiều bất cập so với thực tiễn. Do đó, cần xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam thay cho pháp lệnh, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP, các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.

PV: Ông có nhận định gì sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP trên địa bàn tỉnh?

Đại tá Trương Quang Đảng: Kết quả 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP thể hiện rõ nhất là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân khu vực biên giới biển (KVBGB) đã nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Một minh chứng là, trong 20 năm qua, BĐBP tỉnh đã thu nhận hơn 10 nghìn nguồn tin có giá trị từ quần chúng, giúp chúng tôi thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Bộ đội biên phòng tỉnh tuần tra  trên biển.
Bộ đội biên phòng tỉnh tuần tra trên biển.


Sau khi pháp lệnh có hiệu lực, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; triển khai pháp lệnh và các văn bản pháp quy liên quan đến các cấp, các ngành, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân  KVBGB. Qua đó, cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đã nhận thức rõ về nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia của mình; nắm rõ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBGB.

Nhờ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới biển vững chắc. Quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân KCBGB.

PV: Đối với BĐBP Quảng Ngãi, thành tích nào được xem là nổi bật trong 20 năm thực hiện pháp lệnh BĐBP?

Đại tá Trương Quang Đảng: Trên cơ sở 7 nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 11/NQ-TW và được cụ thể hóa trong pháp lệnh, BĐBP tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Giai đoạn 1997 - 2017, BĐBP tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, chú trọng biện pháp trên cả 3 lĩnh vực: Xâm phạm chủ quyền, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm đã tích cực đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở KVBGB.

Các đồn biên phòng cửa khẩu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cảng biển; thực hiện thủ tục giám sát biên phòng đối với tàu nước ngoài đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển với các nước trong khu vực, quốc tế.

BĐBP tỉnh làm tốt công tác tham mưu; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội... Đồng thời, tích cực xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện KVBGB vững mạnh; chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong 20 năm qua, BĐBP tỉnh thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, kêu gọi 494.028 lượt phương tiện/3.214.660 lượt ngư dân vào nơi tránh, trú an toàn; hướng dẫn, kêu gọi giúp đỡ được 941 phương tiện bị nạn trên biển đảm bảo an toàn về người và tài sản của ngư dân...

PV: Từ thực tiễn 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, ông có đề xuất gì?

Đại tá Trương Quang Đảng: pháp lệnh BĐBP ban hành từ năm 1997 không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Một số quy định trong Pháp lệnh chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tạo ra hành lang pháp lý để BĐBP xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới. Tổ chức biên chế của BĐBP chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trang bị, phương tiện chưa đảm bảo...

Do đó, qua tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP cần thể chế hoá các nghị quyết của Đảng về quốc phòng - an ninh, tạo cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ và ổn định về tổ chức của BĐBP; xây dựng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng; quan tâm đầu tư vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật và cần xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP, các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn mới.


X.THIÊN
(thực hiện)

 


.