Phấn đấu đến năm 2020 đạt mức sinh thay thế

04:05, 11/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác dân số (DS), sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đang gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đề cập đến Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Ngãi thực hiện Chiến lược DS/SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Quảng Ngãi Đặng Chính nhấn mạnh: Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020 đạt mức sinh thay thế.

PV: Những khó khăn trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Đặng Chính: Từ năm 2016, nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số không còn; chỉ còn lại nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu về y tế - dân số của Bộ Y tế và sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh. Riêng năm 2017, không có kinh phí từ Chương trình mục tiêu về y tế - dân số.

Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số hằng năm bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, mô hình tại cơ sở. Đặc biệt, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực hiện với nguồn kinh phí rất ít, chủ yếu dành cho các đối tượng thuộc hộ nghèo. Do đó, tỷ lệ này không đạt chỉ tiêu kế hoạch; kinh phí truyền thông ở cơ sở bị cắt giảm gần như toàn bộ, gây khó khăn cho hoạt động này...

Bên cạnh đó, cán bộ dân số cấp xã chưa được tuyển dụng vào viên chức Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Đội ngũ này không yên tâm công tác, thường xuyên thay đổi, nên việc triển khai, tổ chức thực hiện chương trình DS-KHHGĐ chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất tại các trạm y tế chưa đáp ứng việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao khi triển khai Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chỉ đạo chưa đúng mức, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công tác DS-KHHGĐ...
 

Học sinh miền núi luôn được tạo điều kiện để phát triển về thể chất và tinh thần. Ảnh: T.L
Học sinh miền núi luôn được tạo điều kiện để phát triển về thể chất và tinh thần. Ảnh: T.L


PV: Trong thực hiện Chiến lược DS/SKSS/KHHGĐ từ nay đến năm 2020, Quảng Ngãi sẽ chú trọng vào những lĩnh vực nào?

Ông Đặng Chính: Như tôi đã đề cập, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới như việc chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 47 của trung ương ở một số ngành và địa phương chưa thật sự đồng bộ, quyết liệt.
 

Đến năm 2020 trẻ em được sàng lọc sơ sinh 30%; bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 20%; có 100% cơ sở cung cấp dịch vụ đỡ đẻ thực hiện chăm sóc số trẻ sơ sinh thiết yếu sớm ngay sau sinh; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 21%; tăng tỷ lệ quản lý thai nghén lên 95%; tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế lên 80% và được cán bộ có chuyên môn chăm sóc lên 90%; tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại lên 80%; tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức dưới 115 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức sinh con thứ 3 trở lên có nơi chưa kịp thời, nghiêm túc. Mức sinh giảm chậm, chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tăng dân số trở lại. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm, nhưng chậm và thiếu bền vững. Tốc độ tăng dân số tự nhiên có giảm, nhưng chưa bền vững. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao so với quy luật sinh sản tự nhiên. Vấn đề tảo hôn còn diễn ra, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ...

Vì những lẽ đó, mục tiêu Chiến lược DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020 của Quảng Ngãi sẽ tiếp tục duy trì xu thế giảm sinh, nhằm đạt mức sinh thay thế vào năm 2020, để quy mô dân số phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 13,6‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống còn 10%; tổng tỷ suất sinh ở mức 2,01 con/phụ nữ; quy mô dân số đạt dưới 1.350.000 người...

PV: Vậy giải pháp nào để thực hiện đạt các mục tiêu và chỉ tiêu trên?

Ông Đặng Chính: Giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục và tư vấn về DS/SKSS/KHHGĐ với nội dung và hình thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng, điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội, nhằm thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư chuyển đổi hành vi, để thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.

Ngoài ra, phải đảm bảo nguồn nhân lực về chăm sóc SKSS, để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ cho người dân. Trong đó đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, chất lượng và thuận tiện dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho mọi đối tượng sử dụng dịch vụ. Ưu tiên cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng có mức sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó tiếp cận, góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh. Đồng thời, đa dạng hoá các biện pháp tránh thai, triển khai các biện pháp tránh thai mới; bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc các bà mẹ trước, trong và sau sinh...

Bên cạnh đó, sẽ triển khai hiệu quả các mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; nhân rộng mô hình "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những dị dạng, dị tật bào thai và trẻ sơ sinh...


THANH TOÀN
 (thực hiện)



 


.