Trường Đại học Phạm Văn Đồng: Đào tạo theo hướng ứng dụng

09:04, 06/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 10 năm kể từ ngày thành lập (ngày 7.9.2007), Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm từng bước đạt các yêu cầu “Chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”. Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, TS.Nguyễn Đăng Vũ cho biết những định hướng lớn của trường trong những năm đến...

Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, Đại học Phạm Văn Đồng đang sử dụng 2 cơ sở để giảng dạy và học tập, với diện tích gần 30ha; tổng số cán bộ, viên chức, lao động hiện có 320 người. Trong đó có 1 phó giáo sư, 20 tiến sĩ, 155 thạc sĩ. Hiện nay có 30 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, đến năm 2020 sẽ có 50 PGS, TS. Số lượng ngành đào tạo hiện nay có 36 ngành. Bậc đại học có 9 ngành, bậc cao đẳng 24 ngành; bậc trung cấp chuyên nghiệp 3 ngành, với 3 hình thức đào tạo là chính quy, liên thông chính quy, vừa làm vừa học.

PV: Ông cho biết đôi nét về quy mô đào tạo của nhà trường  trong năm học này?

TS.Nguyễn Đăng Vũ: Trong năm học 2017-2018, Đại học Phạm Văn Đồng có 6.670 học sinh, sinh viên (HSSV), học viên. Các ngành đào tạo của trường hiện có 114 lớp. Trong đó có 109 lớp hệ chính quy, với 3.354 HSSV, bao gồm  45 lớp bậc đại học, 56 lớp bậc cao đẳng, 7 lớp bậc trung cấp chuyên nghiệp, 3 lớp đại học, cao đẳng liên thông hệ chính quy, 2 lớp đại học lớp hình thức vừa làm vừa học. Ngoài ra, Đại học Phạm Văn Đồng còn liên kết với các trường đại học, học viện, trung tâm trong cả nước đào tạo 3.182 SV, học viên; trong đó có 48 lớp đại học, với 2.882 SV; 10 lớp thạc sĩ có 300  học viên...

PV: Thời gian qua, nhiều sinh viên của trường đạt những giải thưởng cao, ông cho biết một số thành tích tiêu biểu?

TS.Nguyễn Đăng Vũ: Phải nói rằng, HSSV đã và đang học tại Đại học Phạm Văn Đồng hầu hết là con em ở các vùng quê nghèo trong tỉnh, khó có điều kiện đi học xa, học ở những trường đóng học phí cao. Tuy nhiên, nhiều em học rất giỏi, đạt được các thành tích cao trong các cuộc thi toàn quốc và khu vực.

Chỉ riêng trong năm học 2017-2018, đội tuyển Olympic Tin học của trường đã xuất sắc giành vé tham gia vòng miền Quốc gia và vòng loại Châu Á; đội Olympic Toán học của trường đã giành 3 giải Nhất và Ba môn đại số và giải tích, được thăng lên hạng A; đội Olympic tiếng Anh đã đoạt được 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 17 giải Ba vòng loại toàn quốc... Liên tiếp trong nhiều năm, sinh viên của trường đều đạt danh hiệu “Sao tháng Giêng”, “Sinh viên 5 Tốt” cấp Trung ương (có sinh viên đạt cả hai danh hiệu này). Trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học Euréka toàn quốc vừa qua, trong số 777 đề tài của 85 trường đại học tham gia, thì 2 đề tài của sinh viên Khoa Kỹ thuật- Công nghệ của trường đã vào vòng chung kết cùng với 8 đề tài khác. Trong Cuộc thi sáng tác video, clip hát Quốc ca toàn quốc vừa rồi, Hội Sinh viên Đại học Phạm Văn Đồng đã giành giải Nhất...
Sinh viên Đại học Phạm Văn Đồng trong giờ thực hành.
Sinh viên Đại học Phạm Văn Đồng trong giờ thực hành.



PV: Chiến lược phát triển của Trường Đại học Phạm Văn Đồng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được xác định thế nào, thưa ông?

TS.Nguyễn Đăng Vũ: Mục tiêu của Đại học Phạm Văn Đồng là đào tạo đa ngành, đa phương thức; là cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và cả nước. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Phạm Văn Đồng trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín trong cả nước.

Suốt hơn 10 năm qua, nhà trường luôn chú trọng đến việc khẳng định "thương hiệu” của mình qua việc đào tạo đội ngũ giảng viên, xây dựng kỷ luật kỷ cương trong trường, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước, với các doanh nghiệp... nhằm đào tạo các ngành nghề đáp ứng cao nhu cầu của xã hội, thị trường lao động. Tuy nhiên, để thực hiện được kỳ vọng đó không phải dễ, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Hiện các trường đều đang đứng trước thách thức lớn về tuyển sinh, về tự chủ đại học. Mặt khác, lâu nay 50% số sinh viên của trường học ngành sư phạm, mà nhu cầu của ngành này đang gần như bão hòa, nên nhà trường đang chuyển từng bước đào tạo, đào tạo lại, học các kỹ năng mềm, để chuyển đổi ngành nghề, nhằm phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hầu hết các sinh viên học các ngành khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kinh tế phát triển, sinh học... đều có việc làm ổn định, có ngành được doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, như ngành công nghệ thông tin. Vì thế, nhà trường đang tích cực đẩy mạnh đào tạo các ngành theo hướng ứng dụng.

Để có thể đáp ứng các kỳ vọng, chúng tôi đang tiếp tục bổ sung và tích cực triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của Trường Đại học Phạm Văn Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW.   

THANH TOÀN
(thực hiện)
 


.