Hướng đến liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ cao

10:04, 15/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã có những đổi thay khá rõ nét, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp. Để có thêm thông tin về vấn đề này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh Phạm Hồng Sơn.
 
PV: Xin ông cho biết đôi nét về kết quả ngành nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đạt được trong năm 2017 và tình hình sản xuất vụ đông xuân 2017-2018?

Ông PHẠM HỒNG SƠN: Năm 2017, với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của nông dân ở các địa phương, nên sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 54.110 tấn, bằng 104,4% kế hoạch năm và bằng 105,5% so với năm 2016. Trong đó, sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, với diện tích 8.007ha, năng suất đạt 59,2 tạ/ha, sản lượng đạt 47.468 tấn, đạt 104,1% kế hoạch năm. Cây bắp, toàn huyện xuống giống 1.277ha, năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng 6.642 tấn, đạt 106,5% kế hoạch.

Chăn nuôi ổn định, đặc biệt đàn gia cầm đạt trên 117% kế hoạch năm, với trên 60 nghìn con; riêng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 9.900 tấn, đạt trên 102% kế hoạch.

Vụ đông xuân 2016-2017, huyện Sơn Tịnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 60ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu phụng. Còn trong vụ đông xuân 2017-2018, tổng diện tích gieo sạ của huyện là 4.088/4.109 ha, đạt 99,5% kế hoạch. Nguyên nhân không đạt chỉ tiêu diện tích là do, thu hồi đất phục vụ KCN VSIP và diện tích sa bồi thủy phá đợt mưa lũ năm 2017, chưa khắc phục được.

 Sản xuất bắp thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh. Ảnh: PV
Sản xuất bắp thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh. Ảnh: PV


Hầu hết diện tích lúa trên địa bàn huyện sản xuất các giống trung, ngắn ngày như: KD đột biến, MT10, KD28, VTNA2, DT45, ĐH815-6, OM6976, PC6, Thiên ưu 8... Đây đều là những giống lúa được Sở NN&PTNT cơ cấu sản xuất vụ đông xuân 2017-2018.

PV: Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã đưa vào sản xuất rất nhiều mô hình, ông có thể cho biết triển vọng của những mô hình này?

Ông PHẠM HỒNG SƠN: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án khác nhau, bước đầu góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp. Mô hình “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất bắp thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh” triển khai tại 2 xã Tịnh Đông và Tịnh Giang. Đây là mô hình có hợp đồng liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, nên đầu ra được đảm bảo, người nông dân sẽ có thu nhập ổn định. Hay mô hình "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi", sẽ góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, có thể kể đến mô hình phát triển vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai lang Nhật trên địa bàn xã Tịnh Thọ, theo hình thức liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân. Mô hình này góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nhằm tạo ra sản phẩm tham gia đề án "Mỗi xã một sản phẩm". Trước đây, khoai lang trồng ở Tịnh Thọ chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, không xuất khẩu, không qua chế biến, do vậy hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, mô hình này được huyện hỗ trợ một số máy, thiết bị chế biến khoai lang, từng bước đưa sản phẩm khoai lang vào các siêu thị.

PV: Ngành nông nghiệp huyện đã và đang có những giải pháp gì để phát triển những mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân?

Ông PHẠM HỒNG SƠN: Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đã có một số mô hình sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả. Tuy nhiên, để thúc đẩy mô hình sản xuất này phát triển hiệu quả hơn, cần có định hướng phát triển phù hợp và các chính sách, giải pháp hỗ trợ đồng bộ.

Thứ nhất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; rà soát diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang các loại cây trồng khác có thị trường và hiệu quả kinh tế cao hơn. Tận dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về thực hành sản xuất theo quy trình GAP.

Thứ hai, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.  

Thứ ba, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; phát triển hình thức chăn nuôi công nghiệp liên kết theo chuỗi; tăng cường cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống vật nuôi chất lượng cao; tập trung chỉ đạo các biện pháp giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH HẢI (thực hiện)


 


.