Căn cứ hiện trạng hồ chứa để tích, xả nước hợp lý

08:10, 06/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết, đến thời điểm này dung tích trữ của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn bình quân khoảng 30% so với dung tích thiết kế. Riêng dung tích trữ của hồ Nước Trong còn khoảng 18%. Tuy nhiên, mùa mưa lũ đã đến nên các hồ chứa nước sẽ tích đầy vào cuối mùa lũ, cần phải tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ chứa...

PV: Sở NN&PTNT đã có những cảnh báo gì về hồ kém an toàn vì hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Quảng Ngãi trong mùa bão lũ sắp đến, thưa ông?

Ông Nguyễn Mậu Văn: Trong số 122 hồ chứa nước nêu trên, có 87 công trình xây dựng từ năm 1989 trở về trước đã khai thác sử dụng trên 30 năm. Do đầu tư không đồng bộ và thi công chủ yếu bằng thủ công, nên nhiều công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó có 36 hồ bị hư hỏng nặng cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, để đảm bảo an toàn đập.

Trong giai đoạn 2017-2022, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã bố trí vốn vay WB để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 19 hồ chứa nước bị xuống cấp nặng và nâng cao an toàn đập. Số còn lại cần được Trung ương và tỉnh tiếp tục đầu tư, để nâng cao an toàn đập và hiệu quả công trình.

Tính đến cuối quý III/2017 Quảng Ngãi có 122 hồ chứa thủy lợi đã đưa vào khai thác, với tổng dung tích thiết kế trên 117 triệu m3, tưới cho khoảng 12.500ha. Trong số này, hồ có dung tích trên 10 triệu m3 là Núi Ngang và Liệt Sơn. Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý 18 hồ, còn lại các huyện quản lý 104 hồ. Ngoài các hồ do tỉnh quản lý, còn có hồ Nước Trong, dung tích 289,5 triệu m3 nước do Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng đã tích nước vào cuối năm 2016, sẽ hoàn thành cuối năm 2017; hồ Đăkđrinh có dung tích 248,5 triệu m3 nước do Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh đầu tư, quản lý và khai thác.
Trong khi chờ sửa chữa, nâng cấp, các chủ hồ đập cần phải thực hiện thường xuyên công tác đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh. 

PV: Việc chỉ đạo gia cố hồ đập và điều tiết nước chống ngập vùng hạ du trong mùa mưa bão sắp đến thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Mậu Văn: Thực hiện Chỉ thị số 3199 của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi; ngày 25.4.2017 UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn hồ chứa nước. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương trong tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2017. Cụ thể là, xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình trong mùa mưa lũ năm 2017 theo phương châm “4 tại chỗ”, để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ.

Đối với hồ chứa nước có dung tích từ 1 triệu m3 nước trở lên, thì phải lập phương án riêng do chủ đập phê duyệt và gửi cho UBND xã, huyện nơi có công trình để phối hợp thực hiện. Đối với các hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 thì lập chung với phương án ứng phó thiên tai của xã, nơi có công trình. Trong phương án phải có kế hoạch di dời dân ở vùng hạ lưu công trình đến nơi cao ráo, để chủ động di dời khi cần thiết.
 Công trình thủy lợi Nước Trong vừa cung cấp nước phục vụ sản xuất vừa có chức năng điều tiết nước chống ngập cho hạ du. ẢNH: PV
Công trình thủy lợi Nước Trong vừa cung cấp nước phục vụ sản xuất vừa có chức năng điều tiết nước chống ngập cho hạ du. ẢNH: PV


Các  đơn vị, địa phương cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra các công trình bị xuống cấp, kịp thời phát hiện hư hỏng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình. Phải tháo dỡ con chạch, ván phai và các vật chắn ở ngưỡng tràn để thoát lũ nhanh cho hồ chứa nước. Những tràn xả lũ bị sạt lở, hư hỏng chưa có kinh phí kiên cố hóa thì phải xử lý, gia cố tạm thời như xếp rọ đá, bao cát... Lưu ý, trong mùa mưa lũ, phải đóng kín cửa cống lấy nước, nhằm đảm bảo an toàn cho cống lấy nước; đồng thời để tích nước phục vụ sản xuất năm 2017.

Đối với những hồ chứa nước, nếu có dấu hiệu mất ổn định do thấm lớn qua mang cống lấy nước, mạch đùn, mạch sủi ở hạ lưu đập thì không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức thấp. Phải vận hành công trình đúng quy trình được duyệt. Các công trình chưa có quy trình vận hành phải căn cứ vào dự báo khí tượng thủy văn về diễn biến mưa lũ, hiện trạng hồ chứa để lập kế hoạch tích, xả nước hợp lý... Đối với các công trình đang thi công, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu xây lắp tập trung lực lượng và thiết bị đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cơ bản công trình hoặc đạt điểm dừng kỹ thuật, đảm bảo vượt lũ chính vụ năm 2017.

Bên cạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa lũ và đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT trong tháng 7.2017.

PV: Đối với những công trình thủy lợi như đập tạm, kênh mương cần làm gì để hạn chế thiệt hại khi có lũ lớn?

Ông Nguyễn Mậu Văn: Đối với các đập tạm phải tháo dỡ toàn bộ cửa phai để thoát lũ và cửa phai cống xả cát kết hợp nạo vét bùn cát trước đập; tháo dỡ vật cản ở phía trước công trình; đóng kín các cửa lấy nước ở đầu kênh chính.

Đối với hệ thống kênh mương phải thường xuyên kiểm tra, kịp xử lý những hư hỏng để không gây sạt lở có nguy cơ vỡ kênh, không dẫn nước khi có mưa lũ; chỉ giữ mực nước hợp lý trong kênh, nhằm hạn chế sạt lở khi có lũ lụt lớn xảy ra.


THANH TOÀN  (thực hiện)



 


.