Triển khai sản xuất theo chuỗi đang gặp khó khăn

02:02, 12/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là ý kiến của ông Võ Văn Kỹ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khi đề cập đến việc xây dựng mô hình, cơ sở sản xuất theo chuỗi trên địa bàn Quảng Ngãi. Ông Kỹ cho biết, hiện tại Quảng Ngãi chưa có cơ sở nào sản xuất theo chuỗi.

Theo ông Kỹ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyên nghiệp hóa theo hướng minh bạch chuỗi sản xuất từ đồng ruộng đến bàn ăn. Giữa nỗi lo thực phẩm không an toản thì sản xuất theo chuỗi đã phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm. Trong liên kết chuỗi ngành hàng nông nghiệp cần có sự liên kết của “4 nhà”. Đó là nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Tuy nhiên dưới góc độ hiệu quả kinh tế thì vai trò của nhà nông và nhà doanh nghiệp được xác định là trọng tâm của chuỗi liên kết này.

Theo đó, để triển khai và nhân rộng những chuỗi sản xuất trên địa bàn Quảng Ngãi cần có những doanh nghiệp tâm huyết, liên kết chặt chẽ với nông dân trong ứng dụng khoa học công nghệ cao vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro này. Vì thực tế, đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt, độ rủi ro thường rất cao từ thời tiết, gieo trồng, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm...

-PV: Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, tại sao Quảng Ngãi lại khó tổ chức mô hình sản xuất theo chuỗi, thưa ông?

Ông Võ Văn Kỹ: Như tôi đã đề cập, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro và thu hồi vốn chậm... nên doanh nghiệp ít mặn mà trong đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, sản xuất theo chuỗi còn đòi hỏi phải “khép kín” từ sản xuất, sơ chế, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Với sự đầu tư lớn cho vùng sản xuất và quy trình khép kín làm cho sản phẩm, nhất là rau và thịt gia súc gia cầm giá luôn cao hơn giá thị trường. Vì vậy, sản xuất theo chuỗi thiếu sức hấp dẫn doanh nghiệp lẫn nông dân, còn người tiêu dùng thì đắn đo trước giá cả.

-PV: Được biết, Quảng Ngãi cũng đã có doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi?

Ông Võ Văn Kỹ: Đến thời điểm này, Quảng Ngãi chưa có cơ sở nào sản xuất theo chuỗi đúng nghĩa. Hiện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNASAFE sản xuất, sơ chế, phân phối đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng trận lũ cuối năm 2016 đã làm cho hạ tầng vùng sản xuất hư hỏng nặng, phải đầu tư khôi phục lại. Còn HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ rau an toàn Sông Trà hai năm qua đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng các điểm kinh doanh chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Hơn nữa, giấy chứng nhận sản xuất VietGAP của đơn vị này cũng sắp hết hạn phải làm lại. Trong đợt kiểm tra gần đây chúng tôi phát hiện có một cơ sở chăn nuôi heo ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật để sản xuất theo chuỗi. Tuy nhiên, cơ sở này còn vướng thủ tục đất đai nên các ngành chức năng chưa thể tư vấn, hỗ trợ họ triển khai mô hình.

Theo tôi, sản xuất theo chuỗi của Quảng Ngãi có thể triển khai tốt, nếu chủ cơ sở của các công đoạn: Sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, thu mua, sơ chế, chế biến, phân phối có ý thức xây dựng cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Nếu sản xuất theo chuỗi thì giá trị sản phẩm sẽ tăng lên. Ảnh: PV
Nếu sản xuất theo chuỗi thì giá trị sản phẩm sẽ tăng lên. Ảnh: PV


-PV: Theo ông, để việc quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản hiệu lực, hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì?

Ông Võ Văn Kỹ: Qua thực tiễn công tác và tham mưu, theo tôi, để thực hiện tốt việc quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản thì Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, chế biến muối. Đối với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cần tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ địa phương trong công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP  nông lâm thủy sản và về nghiệp vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chế biến và xúc tiến thương mại cho địa phương; ban hành các quy định về công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, đánh giá cơ sở chế biến nông lâm thủy sản và muối...

Đối với UBND tỉnh, chúng tôi kiến nghị tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác quản lý các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm rau, quả, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản nằm rải rác trong các khu dân cư, để sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo ATTP.

THANH TOÀN
(thực hiện)

 


.