Nguồn đầu tư cho ổn định dân cư là một thách thức lớn

09:11, 18/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Chi cục PTNT) đã tập trung  tham mưu cho tỉnh về  sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; thực thi pháp luật về kinh tế hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN); cơ giới hóa trong sản xuất... Ông Lê Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết một số kết quả hoạt động và những định hướng lớn của đơn  vị trong thời gian đến.

Theo ông Dương, đối với việc củng cố HTX NN, Chi cục PTNT đã tham mưu cho tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp  với các huyện rà soát lại các HTX. Nếu HTX  đủ điều kiện thì đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã  năm 2012 và tiến hành đại hội. Đối với HTX không đủ điều kiện đăng ký lại thì giải thể hoặc chuyển sang hình thức hoạt động khác.

Việc củng cố, đổi mới hoạt động của HTX NN hướng đến mục tiêu xây dựng các HTX kiểu mới với chỉ tiêu có  2 – 3 HTX NN kiểu mới/năm. Đặc biệt, các HTX kiểu mới này phát triển theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, để HTX NN phát triển Chi cục PTNT còn tập trung tham mưu cho tỉnh tháo gỡ các vướng mắc về chính sách hỗ trợ HTX. Vì hiện tại, có một số chính sách của Trung ương và tỉnh ban hành, nhưng khó thực hiện.
 

Theo Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 14.3.2016 của UBND tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi  có chức năng giúp Giám đốc Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về thực thi pháp luật về kinh tế HTXNN; kinh tế trang trại; kinh tế hộ; quy hoạch và bố trí, ổn định dân cư, di dân tái định cư; an sinh xã hội nông thôn; phát triển nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cơ điện nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

-P.V: Công tác quy hoạch, bố trí ổn định dân cư từ nay đến năm 2020 là một nhiệm vụ lớn của tỉnh, xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Ông Lê Văn Dương: Giai đoạn 2016 – 2020 tổng nhu cầu bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh gần 14 nghìn hộ, với trên 64 nghìn nhân khẩu. Chi cục PTNT đã tham mưu cho tỉnh ưu tiên di dân tái định cư (TĐC) những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai như sạt lở núi, sạt lở bờ biển, bờ sông. Tuy nhiên, do  nguồn lực hạn hẹp nên thời gian qua, Quảng Ngãi chỉ giải quyết được một số ít về TĐC.

Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phải cơ bản hoàn thành việc bố trí TĐC và ổn cư tại chỗ cho 11.325 hộ dân ở các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai; bố trí 1.301 hộ  vùng đặc biệt khó khăn vào 31 khu TĐC tập trung; di dân xen ghép cho 1.590 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất... vào các điểm dân cư hiện có, đảm bảo các điều kiện để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Để thực hiện các mục tiêu này, giai đoạn 2016 – 2020 Quảng Ngãi cần nguồn đầu tư lên đến 1.163 tỷ đồng.

-P.V: Còn việc tham mưu cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển ngành  nghề nông thôn thì sao, thưa ông?

Ông Lê Văn Dương: Chúng tôi tập trung tham mưu cho tỉnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất một số cây trồng chủ yếu như mía, lúa, bắp. Đối với cây mía, phát triển mô hình cơ giới hóa trong khâu làm đất, trồng, chăm sóc và xây dựng mô hình cơ giới hóa từ trồng đến thu hoạch ở một số nơi có điều kiện, nhằm giải quyết khó khăn về lao động trong thời điểm thu hoạch và hạ giá thành sản phẩm. Đối với cây lúa, tập trung cơ giới hóa khâu làm đất; phát triển mô hình cày ải vụ hè thu và phát triển mạnh máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch.

 Đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch, vừa tiết giảm lao động, vừa hạn chế thất thoát sản phẩm nông nghiệp.  Ảnh: P.V
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch, vừa tiết giảm lao động, vừa hạn chế thất thoát sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: P.V


Bên cạnh đó, chúng tôi rà soát tham mưu cho tỉnh phát triển mạnh ngành nghề ở nông  thôn. Vì hiện tại, thu nhập từ lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn chưa cao.

-P.V: Theo ông, để Chi cục PTNT thực hiện tốt chức năng tham mưu, cần tháo gỡ những khó khăn gì cho đơn vị ?

Ông Lê Văn Dương: Theo tôi thì chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân không thiếu, nhưng khó thực hiện vì những thủ tục rườm rà, quy định không rõ; hoặc bố trí nguồn lực không đảm bảo. Vì vậy, Trung ương và tỉnh cần rà soát, giải quyết các bất cập này. Tiếp đến, một số lĩnh vực Chi cục PTNT thực hiện đòi hỏi đầu tư lớn, ví dụ như bố trí, ổn định dân cư; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ phát triển HTX NN... nên cần tỉnh vừa quan tâm bố trí nguồn địa phương, vừa tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, để có thể thực hiện các mục tiêu đề ra. Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các huyện, thành phố với Sở NN&PTNT trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao.


THANH TOÀN (thực hiện)


 


.