Huy động mọi nguồn lực đầu tư kiên cố hóa kênh mương

04:10, 09/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 (Đề án). Ông Nguyễn Mậu Văn-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này.

Về thực trạng hệ thống thủy lợi của Quảng Ngãi, ông Văn cho biết, toàn tỉnh hiện có 708 công trình đã đưa vào quản lý, khai thác (gồm 121 hồ chứa nước, 454 đập dâng, 5 đập ngăn mặn và 128 trạm bơm), với tổng chiều dài kênh mương  4.275km (kênh loại I và  loại II dài 1.224km, kênh loại III dài 3.051km). Tổng năng lực tưới theo thiết kế của 708 công trình là 89.428ha. Năng lực tưới thực tế là 58.704ha, đạt gần 66% so với thiết kế.

Trong số 708 công trình có 196 công trình xây dựng từ năm 1989 trở về trước. Giai đoạn này công trình đầu tư không đồng bộ và thi công chủ yếu bằng thủ công, kết hợp cơ giới, thường xuyên chịu tác động bất lợi của thời tiết, mưa lũ; nguồn vốn duy tu, sửa chữa thiếu thốn; công tác quản lý, khai thác còn một số tồn tại... nên nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã kiên cố hóa (KCH) 1.680km kênh mương, chưa KCH 2.594km. Số chưa KCH chiếm gần 61% tổng chiều dài kênh. Theo đó, hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh đất, hay bị sạt lở, bồi lắng và tổn thất nước nên  tải không đủ nước phục vụ sản xuất. Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, KCH hệ thống kênh mương đang là yêu cầu cấp thiết.

-PV: Vì sao giai đoạn 2012-2015 việc KCH kênh loại III trên địa bàn tỉnh chỉ đạt gần 31% kế hoạch. Kết quả đạt thấp như vậy ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất nông nghiệp?

Ông Nguyễn Mậu Văn: Đề án KCH kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015 thực hiện mới đạt khoảng 100km/326km so với kế hoạch, chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã bố trí chưa đủ so với nhu cầu.

Đối với 131 xã còn lại cũng đã KCH gần 226km bằng các nguồn vốn lồng ghép từ các dự án và đóng góp của nhân dân nên tỷ lệ kênh mương đã KCH trong toàn tỉnh cao hơn 31%. Với kết quả đạt thấp, nên diện tích tưới tăng thêm sau kiên cố hoá kênh mương ở 33 xã xây  dựng nông thôn mới chỉ đạt 983ha so với kế hoạch đề ra là 2.284ha.  

Đập ngăn mặn Đức Lợi (Mộ Đức) được đầu tư xây dựng kiên cố, vừa ngăn mặn giữ ngọt, vừa tạo nên tuyến giao thông cho địa phương.
Đập ngăn mặn Đức Lợi (Mộ Đức) được đầu tư xây dựng kiên cố, vừa ngăn mặn giữ ngọt, vừa tạo nên tuyến giao thông cho địa phương.


Các tuyến kênh chưa được KCH tiếp tục bị sạt lở, bồi lắng và tổn thất nước lớn do thấm... không tải đủ nước phục vụ sản xuất và chống hạn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vì không chủ động để thực hiện tưới tiết kiệm nước nên sản lượng lương thực toàn tỉnh tăng chậm. Ngoài ra, chi phí nạo vét duy tu, sửa chữa kênh mương thường xuyên tăng cao.

-PV: Thời gian đến, khi triển khai thực hiện KCH trên 346km kênh loại III sẽ gặp thuận lợi và đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mậu Văn: Trong quá trình thực hiện Đề án KCH kênh mương, giai đoạn 2016-2020 có những thuận lợi như nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc. Kinh phí xây dựng do Nhà nước đầu tư phần lớn và có một phần huy động nhân dân đóng góp.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý để thực hiện Đề án đầy đủ, rõ ràng, thuận lợi trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Việc đầu tư KCH kênh mương sẽ nâng cao mức bảo đảm tưới, tiêu chủ động, đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

 Về khó khăn, việc KCH kênh mương thực hiện đồng thời với chương trình bê tông giao thông nông thôn, KCH trường học, mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và một số chương trình khác cần vốn đầu tư lớn. Vì vậy, việc huy động đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đóng góp của dân cho KCH kênh mương sẽ gặp nhiều khó khăn.

Việc lồng ghép các nguồn vốn để KCH kênh mương chưa được kết hợp chặt chẽ ở một số địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ KCH hệ thống kênh mương trong tỉnh còn thấp. Sau lũ lụt làm phần kênh đất gia tăng mức độ hư hỏng nên chi phí KCH ngày một tăng cao...

-PV: Trong điều kiện thắt chặt đầu tư công, việc huy động các nguồn lực khó khăn, liệu Quảng Ngãi có đạt mục tiêu của Đề án KCH kênh mương?

Ông Nguyễn Mậu Văn: Để đảm bảo tính khả thi về vốn, HĐND và UBND tỉnh đã xem xét nhiều phương án về quy mô đầu tư và xác định tổng chiều dài kênh loại III cần KCH giai đoạn 2016-2020, với nhu cầu vốn là 418.016 triệu đồng.

Nguồn vốn đầu tư đảm bảo khả thi trên cơ sở vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; nguồn vốn đầu tư cho Đề án KCH kênh mương từ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án và các vốn hợp pháp khác; vốn ngân sách huyện, thành phố, xã và nguồn vận động nhân dân. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp đã phê duyệt, tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công Đề án KCH kênh mương giai đoạn 2016-2020.

Theo quyết định phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, nhu cầu kinh phí đầu tư kiên cố hóa trên 346km kênh loại III của 41 xã là 418.016 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 30.000 triệu; ngân sách tỉnh 180.000 triệu; vốn lồng ghép từ các chương trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác 125.495 triệu; vốn ngân sách huyện, thành phố, xã và nguồn vận động nhân dân 82.521 triệu đồng.

Về cơ chế huy động vốn, các huyện đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi, vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép từ các chương trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác: 80%; vốn ngân sách huyện, thành phố, xã và nguồn vận động nhân dân: 20%. Các huyện miền núi, vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép từ các chương trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác: 90%; vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân dân: 10%.

 

THANH TOÀN
(thực hiện)



 


.