Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển biển, đảo: Nhiệm vụ cấp thiết

11:08, 23/08/2016
.

Ông Trần Thanh Trường. Ảnh: Ý THU
Ông Trần Thanh Trường. Ảnh: Ý THU

(Báo Quảng Ngãi)- Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin- truyền thông (CNTT - TT) Việt Nam lần thứ XX được tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn từ ngày 24 - 26.8.2016, với chủ đề “Công nghệ thông tin và truyền thông với biển, đảo Việt Nam”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, ông Trần Thanh Trường - Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng mối liên kết và hợp tác giữa các tỉnh/thành trong việc thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT-TT phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, tìm kiếm các giải pháp phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển, đảo; định hướng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

-PV: Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT-TT đối với biển, đảo đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Trường: Trong những năm qua, tỉnh ta đã ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý tài nguyên, môi trường biển, đảo. Những dự án như xây dựng cơ sở dữ liệu IIMS và GIS, nhằm quản lý tổng hợp đới bờ của Sở TN&MT, hệ thống nhận dạng tự động hàng hải AIS của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi... đã trở thành những công cụ hữu ích cho các cơ quan nhà nước trong quản lý tài nguyên sinh học, kinh tế - xã hội, quan trắc môi trường khu vực ven biển và tàu thuyền hoạt động trên biển.

Đặc biệt, Quảng Ngãi hiện có hơn 5.500 phương tiện đánh bắt hải sản trên biển, với tổng công suất 934.000CV, trong đó có hơn 3.000 tàu cá, với hơn 30 nghìn ngư dân đánh bắt xa bờ. Đó chính là những lực lượng hàng ngày có mặt trên tuyến đầu của Tổ quốc giữa trùng khơi, nên việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động đánh bắt của ngư dân cũng được chú trọng triển khai. Cụ thể như việc triển khai đăng ký, cấp phép tần số cho tàu thuyền, lắp đặt thiết bị vệ tinh cho tàu cá, đảm bảo thông tin liên lạc cho tàu thuyền... đã tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi.

-PV: Tầm quan trọng của CNTT-TT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và biển, đảo nói riêng được thể hiện như thế nào?

Ông Trần Thanh Trường: CNTT là một trong bốn trụ cột của kinh tế tri thức, giữ vai trò nền tảng, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Vì vậy, trong thời gian qua, công tác phát triển CNTT-TT luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT-TT vào mọi lĩnh vực. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng của quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đặc biệt, trước tình hình biển, đảo đang diễn biến phức tạp, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng trong nâng cao nhận thức, định hướng thông tin cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT-TT vào quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển và các đảo xa bờ là một vấn đề cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 Đảo Lý Sơn, nơi diễn ra hội thảo, không chỉ là hòn đảo phát triển mạnh kinh tế biển, mà còn có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng - an ninh.                                                                  Ảnh: Ý THU
Đảo Lý Sơn, nơi diễn ra hội thảo, không chỉ là hòn đảo phát triển mạnh kinh tế biển, mà còn có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng - an ninh. Ảnh: Ý THU


-PV: Hội thảo lần này sẽ có những hoạt động và giải pháp nào để tăng cường vai trò của CNTT-TT với biển, đảo?

Ông Trần Thanh Trường: Hội thảo lần này tập trung thảo luận về thực trạng, cũng như các nhu cầu bức thiết đặt ra với ngành CNTT-TT trong phục vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển và các đảo xa bờ; thực trạng và xu hướng về an ninh, bảo mật, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nhất là tại khu vực biển, đảo...

Qua hội thảo, các tỉnh/thành sẽ tìm kiếm, lựa chọn được giải pháp, công nghệ thích hợp thuộc lĩnh vực CNTT-TT để triển khai trên toàn quốc, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế  biển, đảo và trợ lực cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Tuy đã có những đóng góp nhất định trong tăng cường, ứng dụng CNTT-TT vào sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Song, thời gian qua, việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn vẫn còn không ít khó khăn. Vì vậy, để có thể tạo được những đột phá, triển khai đồng bộ những ứng dụng của CNTT vào sự phát triển chung, tỉnh cần phải có những giải pháp căn cơ hơn; phải xem việc phát triển CNTT-TT với biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để từng bước thực hiện.

Ý THU (thực hiện)



 


.