Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ 2016

08:07, 07/07/2016
.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Điểm mới trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ; phương thức tuyển sinh theo nhóm trường; lưu ý với thí sinh … là những nội dung Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại trước kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016.

- Công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm nay có gì khác so với năm 2015 thưa Thứ trưởng?

Năm 2015, Bộ GD&ĐT cho thí sinh được phép rút hồ sơ để nộp vào trường khác để đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao nhất và giảm ảo nên có môt số lộn xộn nhất định ở một số trường có tỷ lệ cạnh tranh cao.

Vì vậy, năm nay Bộ GD&ĐT không cho thí sinh rút hồ sơ. Nhưng trong đợt 1, thí sinh được nộp vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng, đó là với những trường không tuyển sinh theo nhóm.

Với trường tuyển sinh theo nhóm, thí sinh có thể nộp 4 nguyện vọng vào 4 trường trong nhóm. Do đó, thí sinh phải theo dõi thông tin ở các trường, các nhóm trường để nộp hồ sơ phù hợp.

Thứ hai, khi nộp hồ sơ, thí sinh có thể nộp trực tuyến thông qua mạng internet hoặc gửi qua bưu điện. Một số trường có thể có phương thức nộp hồ sơ khác, thí sinh cần theo dõi kỹ.

Điều quan trọng là năm nay, sau khi có kết quả xét tuyển vào các trường, thí sinh phải nộp giấy báo kết quả thi đúng thời hạn để khẳng định mình học trường đó.

Vì quá thời hạn mà không nộp hồ sơ nghĩa là thí sinh không chấp nhận học tại trường và họ sẽ tuyển bổ sung. Đây cũng là điểm mới thí sinh cần lưu ý.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga

- Kỳ tuyển sinh năm trước có xảy ra tình trạng quá tải ở một số trường top đầu trong đợt 1 xét tuyển. Năm nay Bộ GD&ĐT có giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này?

Năm nay, trường ĐH, CĐ được chọn các phương án đăng ký khác nhau, có thể đăng ký trực tuyến, có thể qua bưu điện, cũng có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.

Nhưng Bộ GD&ĐT quy định, nếu hồ sơ nhận trực tiếp tại trường phải đảm bảo trật tự, không gây bức xúc trong dư luận.

Các trường phải tính toán phương án lượng hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại trường nhiều hay ít để có phương án phù hợp.

Bộ GD&ĐT không khuyến khích các trường nhận hồ sơ trực tiếp tránh hiện tượng lộn xộn, thí sinh ở xa phải đến các thành phố lớn tốn kém, vất vả. Các em nên nộp trực tuyến hoặc qua bưu điện vì hai hình thức đó rất đảm bảo.

- Thứ trưởng có thể cho biết thông tin về phương án xét tuyển theo nhóm trường trong kỳ tuyển sinh năm nay?

Hiện nay có 2 nhóm trường đã được thành lập là nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì; nhóm ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên.

Mục đích của việc thành lập nhóm là giảm bớt ảo. Thí sinh nộp tất cả các nguyện vọng trong nhóm trường như vậy sẽ hầu như không ảo vì việc chọn nguyện vọng là từ trên xuống dưới. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì không trúng nguyện vọng sau. Từ đó các trường có thể lọc ảo, số lượng thí sinh trúng tuyển phù hợp với chỉ tiêu.

Ngược lại, nếu không tuyển sinh theo nhóm, thí sinh nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng, các trường không biết thí sinh này có trúng tuyển trường khác hay không. Vì vậy, các trường tuyển lần thứ nhất phải tuyển đủ, sát chỉ tiêu. Nếu chưa đủ, lại tuyển đợt 2 và các đợt bổ sung khác sẽ vất vả hơn.

Do đó, Bộ GD&ĐT rất khuyến khích các trường tham gia vào nhóm tuyển sinh.

- Thưa Thứ trưởng, liệu kỳ tuyển sinh năm tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có những thay đổi, điều chỉnh?

Sau khi kết thúc kết thúc kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức những cuộc họp các chuyên gia, các trường, Sở GD&ĐT để trao đổi về phương án tuyển sinh cho năm 2017 và các năm tiếp theo.

Trên nguyên tắc, những phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ tuân thủ theo đúng quy định của Luật Giáo dục là Luật Giáo dục đại học.

- Thứ trưởng có lưu ý gì với thí sinh trong quá trình xét tuyển năm nay?

Trong quá trình xét tuyển, việc đầu tiên là thí sinh phải xác định được ngành nghề mình yêu thích, đó là điều hết sức quan trọng.

Bởi vì nếu chọn ngành mình không thích, khi học các em sẽ không thấy không phù hợp với sở thích của mình, nản chí, có thể lại đăng ký thi lại vào một trường khác, như vậy sẽ rất lãng phí về thời gian và công sức.

Thứ 2, thí sinh phải căn cứ vào kết quả học tập của mình, kết quả thi, so với kết quả tuyển sinh năm ngoái các trường để nộp vào các trường, nhóm trường phù hợp.

Sau nộp xong, thí sinh chờ kết quả, không phải bận tâm gì nhiều đến theo dõi số lượng thí sinh nộp vào trường như năm trước.

Sau khi báo kết quả nếu trúng tuyển, nếu quyết định học, thí sinh nộp giấy báo kết quả thi cho trường và chờ ngày nhập học.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
 

Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ


 


.