Không khó để ngăn chặn các trường hợp tử vong khi bị chó dại cắn

07:07, 28/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày qua, người dân ở tổ 4 phường Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thương tâm của cậu bé Trần Văn Thắng (11 tuổi).  Cách đây không lâu, Thắng bị chó dại cắn và không thông báo cho người nhà biết, nên virut gây bệnh dại đã nhiễm vào người.
Tối 22.7, sau khi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, chảy nước dãi, sợ gió, sợ nước... Thắng đã tử vong. Đây là một trong những trường hợp điển hình tử vong do bị chó dại cắn do không được tiêm vắc xin hoặc bị vết cắn nặng ở đầu, mặt, cổ.
 
Ông Võ Văn Phú- Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi
Ông Võ Văn Phú- Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi
Từ năm 2010 đến nay, Quảng Ngãi đều ghi nhận 2-4 trường hợp/năm tử vong do mắc bệnh dại. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh này là xử lý đúng cách và tiêm phòng khi bị chó dại cắn. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều người dân vẫn còn chủ quan, không chú trọng đến vấn đề này.
 
Phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Võ Văn Phú- Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa bệnh dại để tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc như vừa qua:
 
PV: Thưa ông, khi bị chó dại cắn, người dân phải xử lý như thế nào?
 
Ông Võ Văn Phú: Khi bị chó cắn, người dân phải xử lý vết thương đúng cách. Đây là khâu rất quan trọng. Trước hết, người bị vật nuôi cắn phải rửa bằng nước sạch và xà phòng đậm đặc trong 10-15 phút, đồng thời xử lý bằng cồn iốt 70 độ.
 
Ngay sau đó, người dân phải đến ngay các cơ sở y tế để tiêm vắc xin. Đối với trường hợp bị nhiều vết cắn hở thì nên trì hoãn khâu từ 3-5 ngày, để vết thương ổn định, virut không bị khuếch tán rồi mới tiếp tục xử lý.
 
Những trường hợp nặng, cần phải tiêm huyết thanh kháng dại và những điều kiện hỗ trợ khác để chống nhiễm khuẩn như sử dụng thuốc kháng sinh hoặc tiêm phòng vaccin uốn ván. Nếu thực hiện đúng những bước trên thì khả năng mắc bệnh dại ở người rất thấp.
 
PV: Ông có khuyến cáo gì đối với những hộ gia đình có vật nuôi như chó, mèo?
 
Ông Võ Văn Phú: Bệnh dại ở Việt Nam thường xuất hiện ở thú vật nuôi. Trong đó, chó nhà có nguy cơ mắc bệnh dại cao đến 97%. Hiện công tác phòng chống bệnh dại đã được triển khai rộng rãi. Quy định bắt buộc, các hộ dân nuôi chó không được thả rông, hoặc phải thường xuyên rọ mõm và phải tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.Tuy nhiên, do chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dại nên việc thả rông chó vẫn còn khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người bị chó dại cắn.

 

Để phòng tránh bị chó cắn, các hộ gia đình không được thả rông hoặc phải thường xuyên rọ mõm
Để phòng tránh bị chó cắn, các hộ gia đình không được thả rông hoặc phải thường xuyên rọ mõm
 
Hiện người dân khi bị chó cắn vẫn hay làm theo cách chữa dân gian là sử dụng các bài thuốc nam, thuốc bắc. Tuy nhiên, theo y học hiện đại, không có trường hợp nào sống sót khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh dại, dù có sử dụng bất cứ loại thuốc gì. Cách duy nhất phòng ngừa bệnh dại vẫn là xử lý vết thương, tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại.
 
PV: Hiện đa số người dân vẫn có quan niệm rằng vắc xin phòng bệnh dại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Theo ông, điều này là đúng hay sai?
 
Ông Võ Văn Phú: Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng, khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại thì người sẽ bị gầy ốm, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh, gây sút giảm trí nhớ… nên khi bị chó cắn, nhiều hộ gia đình vẫn còn tâm lý e ngại không đưa con em mình đến cơ sở y tế để tiêm phòng theo quy định.
 
Hiện vắc xin phòng bệnh dại đã được bào chế theo kỹ thuật nuôi cấy tế bào khá an toàn. Tỷ lệ gây phản ứng phụ rất thấp. Theo nghiên cứu, trên 50 nghìn trường hợp tiêm phòng vắc xin dại thì chỉ có 1,5% trường hợp bị phản ứng phụ là đau ở chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ trong thời gian ngắn.
 
Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người bình thường có thể tiêm vắc xin bệnh dại mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Đặc biệt, vắc xin phòng bệnh dại không hề chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc trẻ nhỏ.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Thực hiện: Thanh Phương

.