Xây dựng biểu trưng của Quảng Ngãi: Một việc làm cấp thiết

11:05, 06/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chia sẻ của họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Nam- Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ngãi, sau khi UBND tỉnh có kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) của tỉnh.

-PV: Thưa ông, dưới góc nhìn của một họa sĩ, điêu khắc, ông cảm nhận thế nào về việc tỉnh ta tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng của tỉnh?

Ông BÙI NAM: Quảng Ngãi là một vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình, như Thiên Ấn niêm hà, Cổ lũy Cô thôn… nhiều sản vật khá đặc trưng, như cá bống sông Trà, don, đường phèn, đường phổi, mạch nha... nhưng ở đó biểu tượng khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người dân Quảng Ngãi vẫn là núi Ấn- sông Trà...

Vùng đất này còn có một chiều dài lịch sử văn hóa khá đặc biệt mà không phải địa phương nào cũng có, như di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, thành cổ Châu Sa... là vùng đất anh hùng, kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương, với cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử, Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường... và là quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải... Những đặc trưng ấy dẫu đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân Quảng Ngãi, được du khách, bạn bè trong nước và quốc tế biết đến, song để tìm ra một cái chung nhất của Quảng Ngãi giúp mọi người dễ nhận diện và ghi nhớ thì chưa có. Vì vậy, việc UBND tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng của tỉnh là một việc làm cấp thiết, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đối với Quảng Ngãi.

Theo suy nghĩ của tôi, việc lựa chọn cho được biểu trưng của tỉnh không chỉ có ý nghĩa trong việc thông tin tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của tỉnh... mà còn góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị về lịch sử - văn hóa của tỉnh, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu quê hương đất nước...

-PV: Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để lựa chọn được logo của tỉnh, mà ở đó hội đủ các đặc trưng đặc biệt nhất của đất và người Quảng Ngãi?

Ông BÙI NAM: Tôi được biết, đối tượng tham gia cuộc thi được UBND tỉnh xác định là công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; người nước ngoài đang công tác, học tập tại Việt Nam; các tổ chức trong và ngoài nước đều có quyền tham gia... Điều đó cho thấy, tỉnh ta rất thiện chí mong muốn có được một logo mà ở đó thể hiện được nét đặc trưng riêng của Quảng Ngãi; hội đủ bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

Từ tháng 5-10.2016, bắt đầu nhận tác phẩm tham gia cuộc thi; từ tháng 10- 11.2016 tiến hành chấm giải, thẩm định, xác định kết quả cuộc thi; tháng 12.2016 tiến hành trao thưởng và công bố biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Ngãi. Cơ cấu giải thưởng: 1 giải Nhất được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và tiền thưởng 50 triệu đồng; 3 giải Khuyến khích được Giám đốc Sở VH-TT&DL tặng giấy khen và tiền thưởng 5 triệu đồng; ngoài ra, các tác giả có tác phẩm dự thi lọt vào Vòng chung khảo được hỗ trợ 2 triệu đồng/tác phẩm...

Với cá nhân tôi, vì đây là logo của một tỉnh, có mối quan hệ và tác động không chỉ trong nước mà có cả quốc tế nên về mặt hình thức của một biểu trưng phải là một tác phẩm mỹ thuật đạt được những yêu cầu về thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chứng... thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc và tính hiện đại, khái quát cao. Biểu trưng này còn phải có tính ứng dụng cao, thuận lợi cho việc thể hiện trên nhiều chất liệu và hình thức khác nhau...

Tuy nhiên, để đạt được những yếu tố trên là đều không dễ. Bởi thực tế, một số tỉnh, thành trong nước cũng đã triển khai xây dựng logo nhưng có sức sống không cao, do nóng vội trong tuyển chọn, các yêu cầu đưa ra trong thể lệ cuộc thi chưa bao quát hết tính đặc trưng của địa phương... Logo của một số tỉnh, thành có sức lan tỏa tốt, khẳng định được sức sống là nhờ khắc họa được cốt lõi những nét văn hóa lịch sử đặc trưng nhất của vùng đất đó, như TP.Hồ Chí Minh lấy biểu tượng là chợ Bến Thành; Thủ đô Hà Nội chọn biểu tượng Khuê Văn Các của tác giả Phạm Ngọc Tuấn (người Việt Nam sống tại Pháp), vì đã nêu được truyền thống văn hóa của dân tộc, thể hiện qua hình tượng Khuê Văn Các, thể hiện sự vươn tới văn hóa, vươn tới tri thức của loài người.

Hay như biểu trưng của tỉnh Quảng Nam gần với Quảng Ngãi, phần trung tâm và chính là niềm tự hào của Quảng Nam: Đó là Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 1999 là Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; còn biểu tượng của TP.Huế là hình ảnh cầu Trường Tiền và mái lầu Ngũ Phụng của di tích Ngọ Môn, đồng hiện lên một hình tròn mở, vừa giống một cánh diều bay lên, hoặc đầu chiếc thuyền rồng, hay cổng tam quan trong kiến trúc truyền thống Huế... Điều đó cho thấy, yếu tố đặc trưng của lịch sử và văn hóa vùng đất sẽ luôn là nền tảng để các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo biểu tượng cho mỗi tỉnh, thành phố. Tôi tin chắc rằng, biểu trưng được chọn của tỉnh Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài yếu tố nền tảng đó.

-PV: Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ngãi sẽ tham gia cuộc thi này, thưa ông?

Ông BÙI NAM: Với tư cách là Chi hội trưởng tôi sẽ động viên các hội viên của chi hội tham gia, với mục đích không phải để đạt giải mà là thể hiện niềm đam mê nghệ thuật và trách nhiệm đối với quê hương. Hội viên mỹ thuật Việt Nam tại tỉnh chỉ có 4 người, dù am hiểu sâu về truyền thống lịch sử, văn hóa về đất và người Quảng Ngãi, nhưng về chuyên môn thì còn hạn chế, vì ít được giao lưu sáng tác, nên chắc chắn khó đạt được yêu cầu về thẩm mỹ. Về thời gian thi, tôi nghĩ tỉnh đưa ra thời gian nhận tác phẩm chỉ có 5 tháng là quá ngắn, vì đây là khoảng thời gian mà các hội viên mỹ thuật Việt Nam đều tập trung tham gia sáng tác để dự triển lãm mỹ thuật khu vực trên phạm vi toàn quốc. Mặt khác, tỉnh cũng cần lập Hội đồng tư vấn để đưa ra một chủ đề mang tính đặc trưng nhất để cho các họa sĩ dễ dàng tham gia sáng tạo; đồng thời gửi thư đến các trường Mỹ thuật, Kiến trúc... mời tham gia.


Phú Đức (thực hiện)

 


.