Đừng ngụy biện cho việc chở quá tải, quá khổ

03:05, 14/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Huỳnh Ngà đã nói như vậy trước tình trạng xe tải chở đất, đá thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, hư hại kết cấu hệ thống cầu đường... nhưng đổ lỗi do yêu cầu tiến độ dự án.

-PV: Bộ GTVT đã chỉ đạo siết chặt tải trọng từ năm 2014. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng phương tiện chở vật liệu san lấp mặt bằng làm rơi vãi trên đường, gây tai nạn chết người... khiến người dân bức xúc dẫn đến chặn xe, đặt chướng ngại vật ra đường gây ách tắc giao thông?

Ông Huỳnh Ngà: Từ năm 2014, Bộ GTVT triển khai kế hoạch siết chặt tải trọng, tình trạng chở quá tải đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ giữa năm 2015 đến nay, khi các dự án giao thông, xây dựng bước vào giai đoạn nước rút, cần khối lượng lớn vật liệu để san lấp, thi công nên phương tiện được huy động để vận chuyển tăng đột biến.

Các doanh nghiệp (DN) vận tải, lợi dụng điều này đã tăng cường phương tiện có tải trọng lớn tham gia vào công tác vận chuyển với mật độ khá dày, dẫn đến nhiều tuyến đường huyện, đường xã nhanh chóng xuống cấp. Mặt khác, các phương tiện này chở quá tải, quá khổ, che chắn không đảm bảo để đất, đá rơi vãi xuống đường gây ô nhiễm môi trường, biến đường nhựa cấp phối thành đường đất, nên người dân bức xúc.

Chúng tôi đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng lực lượng mỏng quá nên quản không xuể. Nhiều khi chúng tôi đi kiểm tra phát hiện một vài xe vi phạm, còn lại thì chấp hành rất tốt. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì họ lại vi phạm.

-PV: Nhiều DN vận tải, nhà thầu ký cam kết không chở quá tải, quá khổ. Thế nhưng, trên đường xe tải quá khổ vẫn ung dung hoạt động?

Ông Huỳnh Ngà: Từ khi triển khai siết chặt tải trọng đã có 94 DN và 184 lái xe đã ký cam kết, nhưng vấn đề này vẫn không có nhiều chuyển biến, nhất là các phương tiện vận tải đất, đá của các dự án: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Trì Bình - Dung Quất, Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP, nhà máy giấy... Biết tầm quan trọng của tiến độ các dự án nên tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho công tác thi công. Tuy nhiên, các DN vận tải lợi dụng điều này đưa các phương tiện lớn có tải trọng hàng chục tấn, với khối lượng chở từ 12- 35m3 vào vận chuyển. Các phương tiện này vượt quá khả năng cho phép của các tuyến đường nên đường mới xuống cấp, dân phản ứng...

Đoàn xe tải chở đất cơi nới thùng phá nát đường huyện ĐH 58, đoạn qua xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).
Đoàn xe tải chở đất cơi nới thùng phá nát đường huyện ĐH 58, đoạn qua xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).


Bên cạnh đó, việc cấp phép cho các DN khai thác đất, cát ở quá gần nhau và các tuyến đường được quyền di chuyển nằm trong khu dân cư nên mới xảy ra tình trạng đường nhanh xuống cấp, bụi phủ dày. Như trên địa bàn xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) ngoài mỏ đá An Hội, còn cấp phép cho hai mỏ đất cùng lúc, dẫn đến phương tiện chở đất tăng gấp nhiều lần. Ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cũng trong tình trạng như vậy.

Ngoài ra, rất nhiều DN đưa loại xe có tải trọng lớn đã qua đăng kiểm trước khi Thông tư 32 ra đời vào vận chuyển vật liệu. Trong khi đó, các cấp ngành nhận thấy việc cấp phép cho các xe này hoạt động là sai nhưng vẫn cho đăng kiểm dẫn đến họ hoạt động đúng quy định của thiết kế xe.

-PV: Để giải quyết rốt ráo tình trạng trên, Thanh tra Sở GTVT sẽ có những biện pháp gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Ngà: Trước hết, các huyện cần phải tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác các mỏ đất hợp lý hơn, không nên tập trung vào một khu vực và đường đi vào các khu dân cư. Bộ GTVT cần sớm có quy định chấm dứt ngay việc cho phép đăng kiểm đối với những phương tiện có tải trọng lớn, vượt mức cho phép đối với hạ tầng giao thông hiện tại.

Riêng lực lượng thanh tra giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt ở mức nặng nhất đối với các phương tiện cố tình vi phạm. Đồng thời, quyết liệt trong việc yêu cầu DN “gọt” thùng xe, nếu không sẽ không cho hoạt động trên địa bàn tỉnh. Không có sự “ưu tiên” nào cho phép anh chở quá tải, quá khổ để đảm bảo tiến độ dự án mà đường sá hư hỏng, dân sống trong ô nhiễm được. Đối với những nhà thầu cố tình để DN vận tải vi phạm, chúng tôi sẽ kiến nghị chủ đầu tư xử lý.

Hai  tháng xử lý 128 trường hợp vi phạm

"Chúng tôi luôn quyết liệt trong việc xử lý xe quá tải, quá khổ, chở đất, đá rơi vãi. Trong hai tháng qua đã xử lý 54 trường hợp chở quá tải, phạt 242 triệu đồng, phạt lỗi chở rơi vãi 74 trường hợp, với số tiền 148 triệu đồng. Ngoài việc xử phạt thì cũng đã yêu cầu DN ký cam kết. Tuy nhiên, giữa ký cam kết và thực tế giám sát chưa chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng trên".

LÊ ĐỨC
 (thực hiện)



 


.