Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT: Mang đậm tính nhân văn

03:12, 12/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của ông Đặng Phiên- Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) khi trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi về việc sau một năm thực hiện thay chấm điểm cho học sinh (HS) tiểu học bằng lời nhận xét, đánh giá theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT.

TIN LIÊN QUAN

Theo ông Đặng Phiên, qua một năm thực hiện, việc đánh giá HS theo Thông tư 30 đã đi vào nền nếp. Thông tư đã nhận được sự đồng thuận của xã hội nói chung và đông đảo phụ huynh nói riêng. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận phụ huynh lo lắng và cho rằng họ không thể nắm được tình hình học tập cụ thể của con em như thế nào. Qua công tác tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh, việc đánh giá sẽ không tạo áp lực cho HS. Các em sẽ được tạo điều kiện một cách tốt nhất để cùng nhau tiến bộ.

Bên cạnh đó, điều ngành GD&ĐT lo lắng hiện nay, đó là việc đánh giá của giáo viên (GV) vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Kỹ năng nhận xét, đánh giá của GV là vấn đề cần phải đặt ra. Các nhà quản lý giáo dục cần tạo điều kiện để tương tác, tạo điều kiện để GV phát huy tối đa khả năng, kỹ năng nghề nghiệp của mình để có thể đánh giá ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ nội dung.

-PV: Hiện nay, những trường trung tâm có sĩ số HS quá đông, điều này đã gây khó khăn trong việc nhận xét, đánh giá. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Ông Đặng Phiên: Đánh giá ở đây là đánh giá định kỳ và đánh giá thường xuyên. Việc đánh giá định kỳ bằng điểm số được thực hiện vào cuối học kỳ I và tổng kết năm học. GV thực hiện việc đánh giá thường xuyên trên mọi điều kiện thể hiện được diễn biến của HS trong quá trình học tập. Những em học giỏi sẽ có sự chuyển biến hằng ngày. Còn những em trước đây học yếu sẽ có điều kiện để vươn lên trong học tập nhờ sự động viên, khích lệ của GV. Vì vậy, mỗi GV cần nắm được mặt hạn chế của HS để có thể hỗ trợ, khuyến khích các em trong học tập thông qua việc đánh giá bằng lời nói trực tiếp, chứ không nhất thiết phải đợi phê vào vở. Hơn nữa, GV đến lớp là tổ chức cho HS học tập. HS phải cùng với GV để khai thác một nội dung nào đó, nhằm phát huy khả năng của các em. Việc chấm bài HS là rải rác, mỗi tiết học chỉ chấm (nhận xét) vài em để góp ý cho các em chứ không bắt buộc GV phải nhận xét tất cả các em trong lớp. Nếu thay đổi được nhận thức đó của GV thì việc thực hiện Thông tư 30 sẽ phát huy được tính nhân văn vốn có.

-PV: Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT sẽ có những giải pháp gì nhằm phát huy tính nhân văn của Thông tư này, thưa ông?

Ông Đặng Phiên: Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng có những thông tin trên các trang mạng của Bộ nhằm giới thiệu cho các nhà quản lý giáo dục cũng như GV những thông tin, việc làm hay của các nước, các địa phương để cùng nhau khai thác, tiếp thu, chia sẻ và rút kinh nghiệm. Riêng tỉnh ta, mạng lưới chuyên môn cấp tỉnh, huyện có tổ tư vấn để chia sẻ với giáo viên trong sinh hoạt chuyên môn. Giữa cuối tháng 12, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức Hội thảo đánh giá sau một năm thực hiện Thông tư 30. Chủ trương và định hướng của Sở GD&ĐT đó là, nêu lên những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ nhằm thực hiện tốt hơn Thông tư này.

Điều quan trọng nhất là GV phải thay đổi nhận thức. Từ việc thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi việc làm. Như vậy giáo viên sẽ tự tìm hiểu, khai thác thông tin, kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn việc nhận xét, đánh giá theo Thông tư 30 để giảm áp lực cho HS; đồng thời động viên, khuyến khích để các em tự tin vươn lên trong học tập.


 TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)
 


.