Kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh

05:12, 28/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kinh tế lâm nghiệp ở tỉnh ta trong nhiều năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phản ánh rõ nét hơn về lĩnh vực này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Ngọc Thương - Phó Giám đốc phụ trách lâm nghiệp, Sở NN&PTNT về những thành tựu nổi bật của ngành lâm nghiệp trong năm 2015 và kế hoạch trong thời gian tới.

-PV: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của ngành lâm nghiệp trong năm 2015?

Ông Trần Ngọc Thương: Trước đây, kinh tế lâm nghiệp ở tỉnh ta chưa được đông đảo nhân dân và các cấp, ngành hữu quan chú trọng đầu tư thực hiện nên tốc độ phát triển còn chậm, nhưng trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập, đặc biệt là trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp về công tác tổ chức, quản lý, sản xuất kinh doanh, nhằm bảo vệ và phát triển rừng theo định hướng, quy hoạch của tỉnh. Trong đó, việc trồng rừng sản xuất được đẩy nhanh nhờ các chính sách giao đất, giao rừng và các chương trình đầu tư trồng rừng của Nhà nước. Nhờ vậy tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 29,7% năm 2004 lên 49,85% năm 2014 và năm nay (2015) đạt khoảng 50% trở lên, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra.

Trong công tác xây dựng và phát triển rừng, công nghệ sinh học ngày càng được ứng dụng trong tạo cây giống kết hợp với việc kiểm soát chất lượng nên năng suất rừng trồng ngày càng cao. Sản lượng gỗ bình quân toàn tỉnh hiện nay đạt từ 70-100 m3/ha. Đặc biệt, một số nơi như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ, nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống và thực hiện quy trình quản lý, sản xuất chặt chẽ nên sản lượng gỗ rừng trồng của Công ty đã đạt tới 140-180 m3/ha. Cá biệt ở đây còn có diện tích rừng thu hoạch đạt hơn 250m3/ha.

-PV: Ngoài những thành tựu nổi bật trên, ngành lâm nghiệp còn có những tiến bộ gì để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Ông Trần Ngọc Thương: Về mặt ứng dụng khoa học kỹ thuật thì ngành lâm nghiệp đã có nhiều tiến bộ như các phần mềm chuyên dụng, công nghệ GIS và viễn thám đã được ứng dụng trong công tác xây dựng quy hoạch, cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ đó đã tạo nên chất lượng quy hoạch ngày càng tốt và phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất; cảnh báo trước được những nguy cơ cháy rừng, vì thế rừng được bảo vệ ngày càng tốt hơn, diện tích rừng bị thiệt hại ngày càng giảm. Năm 2010 toàn tỉnh có 134,7ha bị thiệt hại do cháy rừng, đến năm 2015 giảm còn 99,4ha và 8 tháng năm 2015, diện tích thiệt hại do cháy rừng, phá rừng chỉ còn 18,6ha. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển mạnh, đặc biệt là mặt hàng lâm sản (nguyên liệu giấy) tăng trưởng bình quân năm là 14,3%; tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân năm là 32,8%...

-PV: Riêng khu vực miền núi của tỉnh thì ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp gì?

Ông Trần Ngọc Thương: Hiện nay, ở khu vực miền núi diện tích rừng trồng sản xuất đã mở rộng lên tới 112.000 ha/6 huyện và hàng năm khai thác được từ 6.000 - 7.000ha. Với chu kỳ bình quân từ 4-5 năm, giá trị lâm sản thu được hàng năm của 6 huyện  này đạt từ 600- 800 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đáng kể để giúp đồng bào miền núi xóa đói giảm nghèo, tạo được công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập ngày càng cao. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi cũng được cải thiện theo hướng văn minh, tiến bộ hơn.

-PV: Được biết, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đề ra Kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thời gian tới, vậy nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch này là gì?

Ông Trần Ngọc Thương: Theo định hướng đề ra thì bước sang năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành lâm nghiệp phải tập trung thực hiện thành công Kế hoạch hành động Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020 đã được phê duyệt với mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp là quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp;  tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm lên 8,7%, đưa tỷ trọng lâm nghiệp đến năm 2020 chiếm 6,8% trong tổng cơ cấu kinh tế ngành;  nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 52% vào năm 2020...

  Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngành lâm nghiệp tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ và nhân dân về Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp. Sắp xếp và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chi cục Kiểm lâm, các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty nông, lâm nghiệp và nông, lâm trường quốc doanh... Xây dựng các cơ chế, chính sách, quy hoạch phù hợp để phát triển lâm nghiệp và triển khai các dự án cụ thể trên từng lĩnh vực, đưa ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn trong thời gian tới.
-

-PV: Cảm ơn ông!


NGUYỄN KHÂM
(thực hiện)
 


.