Tái cơ cấu là cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn

09:11, 16/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Đề án) có ý nghĩa như cuộc cách mạng mới đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT làm rõ thêm một số nội dung của Đề án quan trọng này.

-P.V: Ông có thể cho biết trọng tâm của từng lĩnh vực trong tái cơ cấu?

Ông Dương Văn Tô: Đề án có quy mô và phạm vi rất rộng lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu và có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Tuy nhiên, những nội dung trọng tâm của từng lĩnh vực tái cơ cấu được xác định như sau:

Đối với trồng trọt, nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu  mì, mía để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.  Nhóm cây đặc sản, tập trung phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng thành hàng hóa đặc sản chủ lực, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Đối với chăn nuôi, chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở đồng bằng, chăn nuôi trâu theo hướng thịt ở miền núi. Chú trọng phát triển đàn heo theo hướng nạc và chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học để cung cấp sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong nước.
 

Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT: Mục tiêu chung của Đề án nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo tăng trưởng ổn định, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh…     

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, chú trọng trồng cây gỗ lớn trên cơ sở bố trí cơ cấu lại tỷ lệ các loại cây trồng một cách hợp lý để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái của rừng; đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng. Còn với ngành thủy sản, sẽ giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng sản lượng khai thác phải đồng bộ với tăng các dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến tiêu thụ.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển công nghiệp chế biến, định hướng phát triển chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản...

-P.V: Trong năm 2016, ngành sẽ ưu tiên thực hiện nội dung nào, thưa ông?

Ông Dương Văn Tô: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn nhằm xây dựng những vùng sản xuất tập trung chuyên canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ, đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm, giải phóng các khâu lao động nặng nhọc và giảm chi phí sản xuất. Tập trung chuyển đổi cây trồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, đồng thời đẩy mạnh công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Nhân rộng, phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững rừng trồng.  Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ, quản lý chặt chẽ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là quản lý giống và môi trường vùng nuôi, nhằm giảm thiểu dịch bệnh...

Đó là những nội dung ưu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2016. Bởi đây là những nội dung quan trọng, có tính khởi đầu và mang tính đột phá. Nó tạo tiền đề cho việc triển khai các nội dung của Đề án trong những năm tiếp theo.

-P.V: Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, dự lường quá trình tái cơ cấu sẽ gặp những trở ngại gì và giải pháp khắc phục?

Ông Dương Văn Tô: Vốn đầu tư cho Đề án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng nhu cầu kinh phí trên 8.406 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2015- 2020. Đây là nguồn kinh phí hết sức cần thiết để thực hiện Đề án. Nếu không huy động đủ nguồn vốn trên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc triển khai, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án.

Để giải quyết những khó khăn về kinh phí, Sở NN&PTNT đề xuất nhiều giải pháp. Trước hết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; là nhiệm vụ xuyên suốt trong giai đoạn 2015-2020 của tỉnh, cần được các sở, ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm trong việc ưu tiên huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đối với vốn ngân sách, trên cơ sở xác định các nhiệm vụ trọng tâm, cần xác định danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên để phân kỳ đầu tư cho từng năm và đề nghị UBND tỉnh, các Sở KH&ĐT, Tài chính đặc biệt quan tâm bố trí vốn  vốn cho các dự án ưu tiên này. Đối với các nguồn vốn khác, có biện pháp huy động từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp thông qua các chính sách như khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng, chính sách liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

 Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra việc sản xuất lúa tại cánh đồng xã Đức Hiệp (Mộ Đức).
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra việc sản xuất lúa tại cánh đồng xã Đức Hiệp (Mộ Đức).


THANH TOÀN (thực hiện)



 


.