Kiên quyết sử dụng giống lúa trung và ngắn ngày trong sản xuất vụ hè thu

06:05, 16/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ sản xuất hè thu 2015 đã bắt đầu. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết về thời gian gieo sạ và đưa ra những khuyến cáo về sử dụng giống, chuyển đổi cây trồng cạn… nhằm tránh hạn hán.

-P.V: Theo ông, trong vụ sản xuất hè thu 2015 sẽ đối mặt với những khó khăn gì?

Ông Đào Minh Hường: Theo dự báo, khả năng trong vụ hè thu năm nay xảy ra nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Các hiện tượng dông, lốc xoáy… xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, tình hình khô hạn không khác nhiều với quy luật TBNN. Từ cuối tháng 5 đến tháng 6, dòng chảy trên các sông suối được bổ sung và nâng cao hơn một ít do ảnh hưởng của mưa tiểu mãn; nhưng từ tháng 7 đến tháng  8 dòng chảy giảm dần và có khả năng thấp hơn TBNN. Tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ khả năng diễn ra và xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển... Thiếu nước, khô hạn và khả năng mưa lớn sớm vào giữa đến cuối tháng 9.2015 là những bất lợi lớn nhất đối với vụ sản xuất hè thu này.

-P.V: Về chỉ đạo sản xuất, Sở NN&PTNT đưa ra lịch thời vụ như thế nào để hạn chế những bất lợi đó?

Ông Đào Minh Hường: Trên cơ sở nhận định diễn biến thời tiết, Sở NN&PTNT hướng dẫn thời vụ xuống giống tập trung từng vùng, từng trà nhanh, gọn với phương châm “tiết kiệm nước”. Tùy theo điều kiện của từng vùng, từng chân ruộng, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thời điểm gieo sạ cho lúa trổ từ ngày 25.7 đến trước ngày 5.8, thu hoạch dứt điểm trước ngày 10.9.2015. Trong vụ hè thu này phải hạn chế tối đa việc cho lúa trổ trước 25.7 vì sẽ gặp gió Tây Nam khô nóng làm cho tỷ lệ lép cao. Còn nếu lúa trổ sau ngày 5.8 thì sẽ thu hoạch đúng vào mùa mưa bão, gây thất thoát lớn. Do đó các địa phương cần nghiên cứu, bố trí thời vụ cho phù hợp trong khung chỉ đạo thời vụ của tỉnh. Cụ thể là, diện tích đại trà gieo sạ từ 20 đến 30.5, không chậm hơn trước ngày 10.6.2015 bằng các loại giống ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày. Chân ruộng trũng có nguy cơ ngập vào đầu vụ do mưa tiểu mãn thì tập trung gieo sạ xong trước ngày 10.6.2015.

-P.V: Còn cơ cấu giống vụ này có gì khác, thưa ông?

Ông Đào Minh Hường: Trong cơ cấu giống, chúng tôi khuyến cáo tùy theo điều kiện mỗi vùng, mỗi địa phương nên chọn từ 2 đến 3 giống chủ lực và 2 đến 3 giống bổ sung để gieo sạ là phù hợp. Trong các giống có triển vọng chọn  1 đến 2 giống sản xuất thử, nếu có kết quả thì đề nghị bổ sung vào cơ cấu.

Về giống, kiên quyết sử dụng giống lúa trung và ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã nhằm rút ngắn thời gian, thu hoạch sớm. Trong chỉ đạo sản xuất, tùy theo điều kiện từng vùng mà có những giải pháp cụ thể. Ví dụ, vùng chủ động nước tưới thì bố trí gieo sạ gọn, đồng loạt theo lịch thời vụ quy định trong khoảng thời gian ngắn nhất, nhằm điều tiết, quản lý nước hợp lý, tiết kiệm; kiên quyết không gieo sạ trên những vùng không đủ nước tưới suốt vụ hoặc không có nguồn nước tưới bổ sung…

-P.V: Việc chuyển đổi cây trồng ở những vùng không đủ nước tưới cho lúa suốt vụ thực hiện ra sao?

Ông Đào Minh Hường: Đối với những vùng không đủ nước tưới cho lúa nhưng vẫn đảm bảo cho cây màu ngắn ngày, hoặc những vùng không còn nước tưới nhưng khai thác được nguồn nước khác bổ sung như nước ngầm, nước tận dụng hồ, đập, sông suối… các địa phương nên chỉ đạo chuyển đổi sang cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, đậu xanh, mè, rau các loại, vừa đảm bảo được nguồn nước tận dụng, vừa đảm bảo hiệu quả trong sản xuất tương đương hoặc thậm chí còn cao hơn sản xuất lúa. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý khi chuyển đổi cây trồng là cần khoanh vùng sản xuất cây trồng cạn đảm bảo liên vùng, tránh tình trạng đan xen lúa-màu; đất đai thổ nhưỡng phải phù hợp với cây trồng cạn; lựa chọn cây trồng phù hợp, có thị trường, dễ tiêu thụ…

THANH TOÀN
 (thực hiện)
 


.