Truyền thống cách mạng là nền tảng và động lực để Ba Tơ phát triển

08:03, 11/03/2015
.

Bí thư Huyện ủy Ba Tơ  Phạm Viết Nho.
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) đã khắc ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm 70 năm ngày khởi nghĩa là dịp để quân và dân Ba Tơ nói riêng, Quảng Ngãi nói chung ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Nhân dịp này, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho đã có cuộc trao đổi với PV. Báo Quảng Ngãi về phát huy truyền thống cách mạng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

TIN LIÊN QUAN


-PV: Xin đồng chí cho biết vai trò lãnh đạo Đảng trong cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ ngày  11.3.1945?

Đồng chí Phạm Viết Nho: Phải khẳng định rằng, nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, thời điểm đó gọi là Ủy ban Vận động cứu quốc Quảng Ngãi.


Thực tiễn cách mạng Việt Nam diễn ra trong thời kỳ 1939- 1945 được thể hiện trên tinh thần của các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (tháng 11.1939), lần thứ 7 (11.1940) liên quan đến nội dung chính của đường lối giải phóng dân tộc, với nhiệm vụ hàng đầu là chống đế quốc. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5.1941) mang một ý nghĩa lịch sử to lớn, quyết định sự phát triển của phong trào cách mạng.

Tại Quảng Ngãi, nhiều đồng chí đảng viên trong tỉnh cùng với các đồng chí tù chính trị ở Căng an trí Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà tìm cách chắp nối cơ sở, liên lạc với Xứ ủy để khôi phục tổ chức và lãnh đạo phong trào. Mối liên hệ, liên lạc được thiết lập, củng cố và ngày càng mở rộng. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ở Quảng Ngãi, chính quyền thực dân Pháp tan rã, các cơ sở cách mạng báo tin về Ba Tơ. Thời cơ lịch sử đã đến. Ngay trong đêm ngày 10.3.1945,  khi chưa có Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy lâm thời đã triệu tập cuộc họp bất thường tại dốc Ông Tài để thảo luận tình hình và quyết định chớp lấy thời cơ, huy động lực lượng quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền từng phần trong toàn tỉnh, trước hết là ngay tại Ba Tơ. Theo sự chỉ huy chung, chiều ngày 11.3.1945, tất cả mọi người cầm giáo mác, dao, rựa, cờ đỏ sao vàng, giương cao biểu ngữ kéo về châu lỵ Ba Tơ. Truyền đơn, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi, khí thế cách mạng của quần chúng và không khí cuộc khởi nghĩa hừng hực, sôi sục. Chiều tối ngày 11.3, một cuộc míttinh lớn được tiến hành tại sân vận động, Ban chỉ huy nêu rõ tình hình và phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

 

Bia lưu niệm nơi thành lập Đội du kích Ba Tơ.
Bia lưu niệm nơi thành lập Đội du kích Ba Tơ.



-PV: Như đồng chí nói ở trên, cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Vậy Đảng bộ huyện Ba Tơ đã và đang làm gì để tiếp nối truyền thống đó?

Đồng chí Phạm Viết Nho: Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, của Đội du kích Ba Tơ anh hùng, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2010 trở lại đây, Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ quyết tâm thi đua với những nhiệm vụ cụ thể sau:

Toàn Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ nguyện một lòng theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng chính quyền, Mặt trận và các Hội đoàn thể hoạt động có hiệu quả; quán triệt và chấp hành đầy đủ Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; an ninh lương thực đảm bảo; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư; tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật vận dụng có hiệu quả vào sản xuất, đảm bảo sản xuất phát triển và cơ bản đáp ứng các yêu cầu về sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

Phát triển GD&ĐT, y tế, văn hóa - xã hội ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; đảm bảo cho mọi người dân được phát huy năng lực của mình tham gia xây dựng các phong trào. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5 - 6%. Công tác phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu luôn được tăng cường, củng cố; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

-PV: Cùng với việc kỷ niệm 70 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ, năm 2015 cũng là năm huyện tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Vậy xin đồng chí cho biết, mục tiêu của huyện trong 5 năm đến là như thế nào?

Đồng chí Phạm Viết Nho: Trong 5 năm đến, huyện xác định mục tiêu tổng quát như sau:
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu không còn trong diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ.

 Học sinh tham quan Bảo tàng Ba Tơ.          Ảnh: ĐỨC PHONG
Học sinh tham quan Bảo tàng Ba Tơ. Ảnh: ĐỨC PHONG


Để đạt được mục tiêu này, Huyện ủy phải tập trung lãnh đạo, xác định đâu là những nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ đột phá. Trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cụ thể. Đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ có hiệu quả của các cấp, các ngành. Có như vậy mới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.


-PV: Xin cảm ơn đồng chí!

P.ĐỨC -X.THIÊN

(thực hiện)


 

.