Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao

09:12, 16/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 17.12 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ 2. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc của tỉnh; tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS tỉnh nhà. Nhân dịp này, PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Văn Thế - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

-PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa tỉnh?
 
Đồng chí Hồ Văn Thế: Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với số lượng gần 180.000 người, chiếm gần 15% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó có 3 dân tộc thiểu số có dân số đông là: Hrê, Cor và Ca Dong. Do địa bàn sinh sống ở miền núi, vùng cao có tiềm năng và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh nên đồng bào các DTTS có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong chiến tranh, họ tham gia làm nên các cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi mở đầu cho phong trào đồng khởi ở miền Nam, góp phần viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang cho quê hương, đất nước.

Trong lao động sản xuất, họ luôn cần cù, chịu khó, nỗ lực vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển. Đặc biệt, 5 năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án cụ thể như Chương trình 135, Nghị quyết 30a... đã và đang góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS. Giờ đây, đồng bào các DTTS đã biết thực hiện các quy trình, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống. Với các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, kịp thời, công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đã đạt những kết quả đáng phấn khởi. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm nghèo 6,75%, năm 2013 còn 41% (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2011 -2015). Thu nhập bình quân tăng khoảng 73% và sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 2014 tăng 10,06% so với năm 2010.

Đồng chí Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Trà Thủy (Trà Bồng).
Đồng chí Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Trà Thủy (Trà Bồng).


Đến nay, 100% xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã; các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp cho việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. 90% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 85% dân số miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT và được khám, chữa bệnh miễn phí. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được tăng cường và đa dạng hóa các hình thức thực hiện, góp phần nâng cao sức khỏe cho bà con. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ học sinh ra lớp đạt hơn 99%. Công tác đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ DTTS được chú trọng. Các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, các công trình, di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS. Tình hình an ninh trật tự bảo đảm; niềm tin của đồng bào các DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được giữ vững.

-PV: Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì còn những tồn tại, hạn chế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Văn Thế: Những tồn tại, hạn chế ở khu vực miền núi trong tỉnh nói chung, vùng đồng bào các DTTS nói riêng hiện nay là: Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (gấp 2,8 lần so với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh). Kinh tế phát triển chưa toàn diện, chưa mạnh và chưa vững chắc; hàng hóa sản xuất có sức cạnh tranh chưa cao; xuất hiện một số mô hình kinh tế có hiệu quả, nhưng việc nhân rộng còn chậm; tiềm năng chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả… Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại từ trung tâm huyện đến trung tâm một số xã và các thôn còn nhiều khó khăn. Nhiều nơi còn thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất; các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ; trường học, trạm y tế, nhà bán trú dân nuôi xuống cấp; số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới chưa nhiều. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, đào đãi vàng trái phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Một số điểm có khả năng phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức, nên sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa thu hút được du khách.

 Đường giao thông được xây dựng kiên cố giúp người dân Tây Trà đi lại thuận tiện.                                                  Ảnh: PV
Đường giao thông được xây dựng kiên cố giúp người dân Tây Trà đi lại thuận tiện. Ảnh: PV


-PV: Vậy trong thời gian tới, chúng ta phải làm gì để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số?

Đồng chí Hồ Văn Thế: Từ bài học kinh nghiệm 5 năm qua, nhằm khắc phục những mặt tồn tại và phát huy kết quả đạt được, trong phương hướng thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu đưa kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào các DTTS tăng lên gấp 4 lần so với hiện nay.

Hằng năm, giảm 4 - 5% hộ nghèo DTTS và tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn khoảng 20,96% theo chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, ưu tiên đường giao thông, thủy lợi nhỏ và vừa để phục vụ phát triển sản xuất. Về văn hoá-xã hội, chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển giáo dục. Tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề, trong đó chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ y, bác sĩ ở các trạm y tế xã. Tăng cường công tác sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về giải pháp, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào DTTS hiểu và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, các chính sách dân tộc và pháp luật của Nhà nước, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS; quan tâm xây dựng, chăm lo, đãi ngộ đối với cán bộ DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc, các vị chức sắc tiêu biểu, người có uy tín. Vận động đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần vượt khó vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

-PV: Xin cảm ơn đồng chí!


THANH THUẬN
(thực hiện)   
 


.