Phòng chống dịch cúm gia cầm: Tăng cường giám sát cộng đồng

03:10, 06/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với cúm A/H5N1, loại vi rút độc lực cao A/H5N6 cũng đã xuất hiện và gây hại trên 2.000 con vịt ở Quảng Ngãi. Dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng trong giai đoạn này, người dân thường nuôi vịt chạy đồng nên được xem là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh lây lan và bùng phát. Trước tình hình này, phóng viên Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về công tác phòng chống dịch cúm trên đàn gia cầm.

-PV: Ông cho biết đôi nét về diễn biến dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?

Ông NGUYỄN VĂN THUẬN: Từ tháng 2 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 ổ dịch cúm A/H5N1 và 2 ổ dịch cúm A/H5N6 với hơn 21.800 con gia cầm của 17 hộ ở 13 xã thuộc 7 huyện, thành phố bị mắc bệnh. Trong đó, có hơn 5.900 con gia cầm chết trước khi tiêu hủy và gần 15.880 con phải tiêu hủy bắt buộc. Ngoài ra, Chi cục Thú y cũng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 12/18 mẫu gia cầm được lấy ở các chợ dương tính với vi rút cúm A/H5N6; 12/72 mẫu gộp Swab giám sát định kỳ được lấy tại 3 huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh dương tính với vi rút cúm A/H5N1.

-PV: Trước tình hình trên, ngành thú y tỉnh đã thực hiện những biện pháp nào để khống chế và dập tắt dịch, thưa ông?

Ông NGUYỄN VĂN THUẬN: Ngay sau khi phát hiện vi rút cúm A/H5N6 trên đàn vịt ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) và Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), Chi cục Thú y đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh và triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 2/2014. Trên cơ sở này, Chi cục đã phân bổ 7.000 lít Benkoid, 1,3 triệu liều vắc xin (đợt 2) cho các địa phương để tiến hành tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho đàn gia cầm. Đồng thời, Chi cục cũng tăng cường lấy mẫu gia cầm ở các hộ, cơ sở chăn nuôi và ấp trứng xung quanh ổ dịch để giám sát lưu hành vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 ngoài môi trường.

Ngoài ra, Chi cục cũng đã báo cáo và đề nghị Cơ quan Thú y vùng IV, Cục Thú y tạm thời không cho phép vận chuyển giống vịt siêu thịt là vịt rằn, vịt trắng từ các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị vào địa bàn Quảng Ngãi. Vì sau khi kiểm tra, Chi cục đã phát hiện 2 giống vịt siêu thịt trên bị nhiễm cúm A/H5N6 được người dân mua từ lò ở Đại Xuyên (Hà Nội) - tức là dịch bệnh lây chuyển theo nguồn giống. Điều quan ngại là, hiện giờ nhiều đối tượng đã vận chuyển gia cầm “chui” từ vùng dịch bằng cách gửi hàng cho các xe khách. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo những cơ quan liên quan ở các tỉnh phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải đường dài.

-PV: Đối với người chăn nuôi, Chi cục có khuyến cáo gì, thưa ông?

Ông NGUYỄN VĂN THUẬN: Dịch cúm vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu và nắm bắt tác hại của dịch cúm gia cầm, đặc biệt là H5N1 và H5N6, chúng tôi khuyến cáo bà con nên tuân thủ 3 điều sau. Một là, nếu tái đàn, phải mua giống ở những cơ sở ấp nở trong tỉnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng; tuyệt đối không dùng giống vịt siêu thịt, giống bán chui. Hai là, phải chấp hành nghiêm quy trình tiêm phòng; đó là sau 14 ngày nuôi phải tiêm phòng mũi đầu tiên và mũi thứ 2 sau 21 ngày; riêng vịt đẻ thì phải tái chủng sau 4 tháng; nếu vịt không rơi vào thời điểm tiêm phòng đại trà (đợt 1, 2) thì chủ hộ phải khai báo với chính quyền địa phương để được tiêm bổ sung, không nên đợi. Ba là, thường xuyên theo dõi và giám sát gia cầm, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải báo với cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn, xử lý; tránh tự ý điều trị hoặc mua bán, giết mổ khiến dịch bệnh lây lan.
             

MỸ HOA
T(thực hiện)

 


.