Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh: Lý Sơn cần cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện

04:09, 30/09/2014
.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.10, Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn. PV Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Minh-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo về một số vấn đề liên quan đến Hội thảo này.

-PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và mục đích của Hội thảo đặt ra là gì?

Đồng chí Trần Văn Minh: Hội nghị lần 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã ra Nghị quyết về Chiến lược Biển đến năm 2020. Trên thế giới trong thế kỷ XXI, nhiều nước cũng đặt ra chiến lược hướng ra biển. Thời gian qua, như chúng ta đã biết, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 891 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Qua sự kiện này, dư luận trong nước và thế giới đã chỉ rõ thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Lịch sử của Lý Sơn gắn với Biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ việc xảy ra đối với ngư dân Lý Sơn nói riêng, ngư dân Quảng Ngãi và cả nước nói chung trên Biển Đông. Những vụ việc này vừa do thiên tai, vừa do nhân tai. Riêng Lý Sơn có nhiều tàu bị Trung Quốc bắt giữ, phá hoại.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã có chỉ đạo phát triển đội tàu để ngư dân ra khơi bám biển. Vừa rồi, Chính phủ có Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. Trong đó có cơ chế, chính sách cho ngư dân vay tiền đóng tàu để vươn khơi bám biển.

Tỉnh Quảng Ngãi đã có đề án trình Chính phủ về phát triển toàn diện cho Lý Sơn, hiện nay các bộ, ngành đang thẩm định. Trong điều kiện kinh tế Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn có điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm, thì sự phát triển của Lý Sơn sẽ theo xu thế mới, mô hình mới. Do đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi bàn với Ban Kinh tế Trung ương làm sao tạo cho Lý Sơn cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện. Tỉnh Quảng Ngãi đã xin ý kiến và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo này.

-PV: Vậy Lý Sơn sẽ được định hướng phát triển như thế nào thưa Phó Bí thư?

Đồng chí Trần Văn Minh: Trước khi tổ chức Hội thảo, Thường trực Tỉnh ủy mời tất cả các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành nghiên cứu thực trạng tại Lý Sơn. Từ đó sẽ làm rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của Lý Sơn, cũng như huyện đảo còn khó khăn gì? Qua đó, Hội thảo sẽ làm sáng tỏ cơ sở khoa học dựa trên đánh giá thực tiễn để kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo Lý Sơn. Đồng thời, trên cơ sở đó bổ sung vào Đề án tổng thể phát triển huyện đảo Lý Sơn để làm sao Lý Sơn thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, du lịch.
Du khách Hàn Quốc tham quan đảo và hỏi mua tỏi Lý Sơn.
Du khách Hàn Quốc tham quan đảo và hỏi mua tỏi Lý Sơn.


Thứ nhất, trong nông nghiệp, Lý Sơn có sản phẩm rất đặc biệt là tỏi, được nhiều người cả trong và ngoài nước quan tâm. Vì thế làm sao phát triển tỏi Lý Sơn theo mô hình mới, công nghệ mới chứ không phải sản xuất truyền thống như hiện nay nông dân Lý Sơn đang áp dụng.

Thứ hai, là tạo hậu cần nghề cá, phát triển đội tàu cá Lý Sơn, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cảng Bến Đình là cảng riêng, tạo thuận lợi cho tàu thuyền cập cảng.

Thứ ba, là phát triển du lịch. Lý Sơn có tiềm năng du lịch đặc biệt. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược, có bề dày lịch sử. Người dân đến đảo này muốn tìm hiểu lịch sử Lý Sơn. Hơn nữa, ở huyện đảo có những thắng cảnh rất đẹp và có những di tích văn hóa, lễ hội, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 3 âm lịch hằng năm.

Điều quan trọng để thu hút đầu tư vào du lịch là phải bảo tồn biển và nghiên cứu sinh vật biển, cũng như khám phá đại dương. Đây là những vấn đề đặt ra để đưa ra bàn thảo tại Hội thảo lần này.

-PV: Lý Sơn đã nằm trong Quy hoạch phát triển biển đảo Việt Nam đến năm 2020, tại sao chúng ta đặt ra cơ chế, chính sách riêng cho Lý Sơn?

Đồng chí Trần Văn Minh: Quy hoạch phát triển biển đảo Việt Nam đến năm 2020 là quy hoạch chung cho rất nhiều đảo như Phú Quốc, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Côn Đảo… nhưng đảo Lý Sơn có sự đặc thù, có vị trí chiến lược đặc biệt. Đây là điểm nhấn để Lý Sơn phát triển theo mô hình riêng, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là mục tiêu đặt ra để bàn, kiến nghị để Lý Sơn có cơ chế, chính sách đặc thù khác hẳn với các đảo khác.

Hoàng Triều (thực hiện)
 


.