Hết chuyện nhà thầu "ép" giá ngược trở lại chủ đầu tư

08:09, 24/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 15.8.2014, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu năm 2013 chính thức có hiệu lực. Đây được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về tính minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, loại bỏ nhà thầu không đủ thực lực thực hiện nhiều dự án. Đó cũng là nội dung trao đổi giữa PV.Báo Quảng Ngãi với ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

-PV: Xin ông cho biết những điểm khác biệt cơ bản của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63 so với những quy định trước đây?

Ông Phạm Minh Hòa: Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63 sửa đổi, bổ sung đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đấu thầu năm 2005, đáp ứng kịp thời yêu cầu phải có một môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn Nhà nước. Đặc biệt, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định, tất cả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước không phân biệt nguồn vốn nào đều phải thực hiện theo quy định của luật; kể cả dự án đầu tư phát triển của khu vực tư nhân mà có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án cũng đều phải tuân thủ luật.

Hơn nữa, Luật Đấu thầu năm 2013 có 10 điểm mới khác biệt cơ bản so với luật cũ. Đó là: Ưu tiên phát triển nguồn lực trong nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu; về phương pháp đánh giá (hồ sơ dự thầu); mua sắm tập trung; mua thuốc và vật tư y tế; lựa chọn nhà đầu tư; hợp đồng trong đấu thầu; phân cấp trong đấu thầu; giám sát về đấu thầu; xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

-PV: Trong số rất nhiều nội dung của luật và Nghị định 63 đã tập trung hướng dẫn việc lựa chọn nhà thầu, ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới trong công tác này?

Ông Phạm Minh Hòa: Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63 đã quy định 4 phương thức gồm: Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;   phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ và phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

Đối với phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp (Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ áp dụng cho dịch vụ tư vấn), thì chỉ nhà thầu nào đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để xem xét, so sánh, xếp hạng. Với phương thức này nếu nhà thầu bỏ giá thầu thấp nhưng năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật không đáp ứng sẽ bị loại trước khi mở hồ sơ đề xuất về tài chính.

-PV: Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu được quy định như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Minh Hòa: Trước đây, khi đánh giá hồ sơ mời thầu căn cứ đầu tiên vào giá thầu rồi mới đến các điều kiện khác như: Năng lực, kỹ thuật, nhân lực… Tuy nhiên, Luật Đấu thầu mới đã có sự hoán đổi vị trí ưu tiên. Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật được xếp trên, trước khi xét đến tiêu chuẩn đánh giá về tài chính. Điều này được cho là một sự thay đổi có tính bước ngoặt nhằm khắc phục tình trạng nhà thầu được lựa chọn do chào giá thấp nhất nhưng không có năng lực, kinh nghiệm hoặc đề xuất về mặt kỹ thuật không đáp ứng bằng nhà thầu khác.

Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp: Ngoài phương pháp giá đánh giá thấp nhất đã được quy định trong Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung hai phương pháp đánh giá mới là phương pháp giá thấp nhất và phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Đối với gói thầu tư vấn, ngoài phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và tài chính: Phương pháp dựa trên kỹ thuật đã được quy định trong Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung thêm hai phương pháp đánh giá mới là phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá cố định.

-PV: Theo Luật Đấu thầu cũ, việc thương thảo hợp đồng với các nhà thầu sau khi trúng thầu đã bị đánh giá là chỉ mang tính hình thức. Vậy Luật Đấu thầu mới khắc phục hạn chế này ra sao?

Ông Phạm Minh Hòa: Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 chỉ được phép áp dụng 4 loại hợp đồng quy định tại Điều 62, gồm: Hợp đồng trọn gói; hợp đồng theo đơn giá cố định; hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; hợp đồng theo thời gian.

Trước đây, Luật Đấu thầu năm 2005 quy định công bố nhà thầu trúng thầu xong mới tiến hành thương thảo hợp đồng. Điều này vô hình chung chỉ mang tính hình thức, vì đã công bố trúng thầu rồi thì thương thảo rất khó. Nhà thầu “cầm chắc” mình đã trúng thầu, đã có dự án trong tay nên thương thảo mãi họ cũng không giảm giá. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63 của Chính phủ đã thay đổi hoàn toàn điều này, khi quy định phải thương thảo xong mới công bố trúng thầu. Với quy định đó, giờ không có chuyện nhà thầu “ép” giá ngược trở lại chủ đầu tư, chỉ khi nhà thầu đưa giá về mức hợp lý mới công bố thắng thầu.


PV: Xin cảm ơn ông!

 

NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)
 


.