Ông Trần Chấn Diệp - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:
Đề tài, dự án khoa học và công nghệ ngày càng gắn với yêu cầu thực tiễn

04:07, 04/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tập trung thực hiện các chương trình, đề tài, dự án phục vụ nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Số lượng đề tài, dự án KH&CN triển khai hàng năm giảm so với giai đoạn trước đây, nhưng tính ứng dụng được nâng cao. Ông Trần Chấn Diệp – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết rõ hơn những nội dung trên.
 
*P.V: Nhận định của ông về hoạt động KH&CN trên địa bàn Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015?

*Ông TRẦN CHẤN DIỆP: Trong gần 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ KH&CN, sự hợp tác có hiệu quả của các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài tỉnh, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các chương trình, đề tài, dự án KH&CN ngày càng gắn với yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống. Công tác nghiên cứu khoa học từng bước được mở rộng từ các nhà khoa học đến các nhà quản lý, các doanh nghiệp và diễn ra không chỉ ở các tổ chức nghiên cứu khoa học, các sở, ban, ngành, các địa phương mà ngày càng được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chất lượng các công trình nghiên cứu ngày càng nâng cao, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của KH&CN trong sự phát triển chung của tỉnh.

*P.V: Ông có thể nói rõ hơn những kết quả cơ bản của hoạt động KH&CN?

*Ông TRẦN CHẤN DIỆP: Có thể nói, hoạt động KH&CN đã tác động tích cực đến nhiệm vụ phát triển công nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phục vụ quy hoạch, quản lý khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và phòng chống thiên tai; phục vụ cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của tỉnh... Ở đây tôi xin đề cập một số kết quả về KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp và phát triển nông nghiệp.

Thực hiện Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011– 2015, đã hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tính đến nay, trong 146 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 87 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN như: ISO 9000, ISO 14.000, ISO 9001-2008, OHSAS-18001, SA 8000, HACCP, TQM. Sau 5 năm thực hiện Chương trình có gần 60% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra (là 55%).

Về đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công tác phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các sản phẩm tiên tiến của KH&CN vào quản lý, sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như các công ty: Lọc hóa dầu Bình Sơn, Doosan Vina, điện tử Poster, giày Rieker; các nhà máy: Bia Dung Quất, bia Sài Gòn, bánh kẹo Biscafun, sữa đậu nành VinaSoy, đường Phổ Phong, đóng tàu Dung Quất, sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi...

Về Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015, các dự án, đề tài đã góp phần thúc đẩy việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống; tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, có tác động đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể như Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác mía trên đất gò, đồi theo hướng bền vững tại các huyện Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà” đã xây dựng được vùng nguyên liệu mía gần 2.000 ha trên đất gò, đối với năng suất mía cây đạt 70 - 90 tấn/ha, đưa năng suất mía cả tỉnh bình quân đạt 63 tấn/ha, chữ đường gần 10CCS, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi và bảo đảm nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến đường.

Dự án “Giải pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng tỏi ở huyện Lý Sơn”. Từ kết quả đề tài nghiên cứu phục tráng giống tỏi Lý Sơn, đã triển khai dự án KH&CN thâm canh tăng năng suất tỏi, với kỹ thuật dùng giống sau phục tráng và kỹ thuật tưới nước phun mưa, bón phân cân đối (quy mô 7 ha). Kết quả vụ tỏi năm 2012 - 2013 cho năng suất 7,1 tấn/ha/năm, tăng 10% so với canh tác truyền thống. Mặt khác, kỹ thuật tưới phun mưa đã tiết kiệm gần 50% lượng nước sử dụng để tưới và giảm công lao động.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, triển khai Dự án KHCN cải tạo giống và kỹ thuật chăn nuôi trâu cải tiến cho đồng bào dân tộc Hrê huyện Ba Tơ và Sơn Hà. Sau 4 năm thực hiện dự án đã lai tạo được trên 2.000 trâu nghé khỏe mạnh, tầm vóc lớn, có khả năng chống chịu bệnh tật, góp phần giảm dần đàn trâu cận huyết tại địa phương.  

*P.V: Vậy ông có thể cho biết mục tiêu nghiên cứu KH&CN thời gian đến?

*Ông TRẦN CHẤN DIỆP: Phát triển KH&CN luôn hướng vào mục tiêu như: Nâng cao năng lực, trình độ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững; phát triển có chọn lọc và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm và các ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị, chất lượng và cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển mạnh tiềm lực KH&CN, từng bước hình thành nền kinh tế tri thức. Nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh thời gian đến nhằm góp phần để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
                 

    THANH TOÀN
             
       (thực hiện)
 


.