Phải minh bạch và tiến đến kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

10:03, 28/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung trao đổi giữa PV báo Quảng Ngãi với ông Lữ Ngọc Bình- Chánh Thanh tra tỉnh về việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ có chức vụ, quyền hạn.

TIN LIÊN QUAN


PV: Xin ông cho biết việc minh bạch tài sản, thu nhập được quy định như thế nào?

Ông LỮ NGỌC BÌNH: Đầu năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực pháp luật. Theo đó, đã bổ sung Điều 46a quy định về công khai bản kê tài sản, thu nhập; Điều 46b quy định nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; Điều 47a về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập. Đó là, nêu rõ thẩm quyền yêu cầu xác minh của tổ chức, cá nhân đối với các chức danh cụ thể.

Đặc biệt là, thẩm quyền yêu cầu xác minh của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, kiểm sát và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trong trường hợp có kết luận người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm liên quan đến hành vi tham nhũng. Để thi hành Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17.7.2013 quy định chi tiết thực hiện về minh bạch tài sản, thu nhập, thay thế Nghị định 37/2007/CP. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ có Thông tư số 08/2013 hướng dẫn cụ thể về việc kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai; về xác minh tài sản, thu nhập; về chế độ thông tin, báo cáo; về xử lý vi phạm...

PV: Những trường hợp chưa minh bạch về tài sản, thu nhập sẽ bị điều chỉnh bởi quy định nào trong pháp luật?

Ông Lữ Ngọc Bình
Ông Lữ Ngọc Bình

Ông LỮ NGỌC BÌNH: Những trường hợp chưa minh bạch về tài sản, thu nhập thì phải có xem xét, xác minh kết luận của cơ quan có thẩm quyền, không ai có thể tự ý phát ngôn. Thông tư 08 của Thanh tra Chính phủ quy định rõ về việc công khai kết luận và việc xác minh lại kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xác minh dẫn đến nội dung kết luận về sự minh bạch tài sản không chính xác hoặc có bao che đối với người được xác minh về minh bạch tài sản, thu nhập; hoặc trong trường hợp người được xác minh có văn bản đề nghị xác minh lại kèm theo tài liệu, chứng minh kết quả xác minh không đúng, không khách quan. Thanh tra Chính phủ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xác minh lại.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai chậm so với thời hạn kê khai do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị quy định thì bị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách, nếu chậm trên 15 -30 ngày; bị kỷ luật cảnh cáo nếu thực hiện chậm trên 30 - 45 ngày; áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một bậc so với hình thức kỷ luật cảnh cáo nếu thực hiện chậm trên 45 ngày.

Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tuỳ vào tính chất, mức độ  vi phạm phải bị xử lý kỷ luật một trong các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã được pháp luật hiện hành quy định.

PV: Đầu năm 2014, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Xin ông cho biết nội dung cơ bản của chỉ thị này. Và ông đánh giá thế nào về việc chấp hành kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ các cơ quan, đơn vị ở tỉnh ta?

Ông LỮ NGỌC BÌNH: Chỉ thị 33-CT/TW có 6 nội dung chỉ đạo, trong đó có 4 nội dung chỉ đạo tổ chức đảng quán triệt và thực hiện tốt quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Đáng chú ý là, việc yêu cầu công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trong sinh hoạt chi bộ và cấp uỷ mà đảng viên đó là thành viên. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là một tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu. Tiếp tục lãnh đạo hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này nhằm nâng cao tính pháp lý, minh bạch hơn và tiến đến kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn..

Đối với tỉnh ta, UBND tỉnh đã triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc quy định của pháp luật đến các cấp các ngành. Thanh tra tỉnh đã trực tiếp trao đổi, hướng dẫn những vướng mắc mà các cơ quan, cá nhân thắc mắc. Hầu hết các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh đã tổ chức thực hiện kịp thời và đã có báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Đến nay chưa có thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của kỳ kê khai năm 2013; cũng chưa có đơn vị nào phát sinh yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập nên chưa có đánh giá chính thức.

Tuy nhiên, thông qua kết quả thực hiện các năm trước và theo dõi của ngành Thanh tra trong tỉnh cho thấy, nhận thức và thực hiện ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế, xác định chưa đầy đủ đối tượng kê khai, tài sản phải kê khai... Mặt khác, đây cũng là vấn đề khá nhạy cảm nên một số người có tài sản hợp pháp, chẳng liên quan gì đến tham nhũng nhưng còn tâm lý e ngại, dè dặt trong kê khai nên trong thực hiện đã kê khai không đầy đủ, chất lượng bản kê khai còn hạn chế, có sai sót cả về nội dung và thủ tục; công khai bản kê khai tuy có thực hiện nhưng còn hình thức, vì hầu hết không có ý kiến phản hồi khi công khai. Do đó, trong thời gian đến tỉnh ta cần tiếp tục tuyên truyền và đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để đưa quy định này vào nề nếp.


PV: Xin cảm ơn ông!

 


Phú Đức (thực hiện)
 


.