Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô:
Công nghiệp vẫn là bước đột phá của tỉnh trong năm 2014 và những năm đến

03:01, 02/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thế nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Quảng Ngãi năm 2013 đạt tới 12%, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu “Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, công nghiệp vẫn được xác định là thế mạnh chủ lực của Quảng Ngãi”. Đó là khẳng định của ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng BQL KKT Dung Quất khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử.
 
- Năm 2013, công nghiệp Quảng Ngãi có những bước phát triển khá nổi bật. Vậy ông cho biết cụ thể những kết quả đó như thế nào?
 
Ông Phạm Như Sô- Phó CT UBND tỉnh, Trưởng BQL KKT Dung Quất.
Ông Phạm Như Sô- Phó CT UBND tỉnh, Trưởng BQL KKT Dung Quất.
- Ông Phạm Như Sô: Năm 2013, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển rất tốt, tốc độ tăng trưởng cao, thể hiện vai trò đột phá trong phát triển kinh tế chung của tỉnh. Nói đến công nghiệp thì người ra nghĩ ngay đến KKT Dung Quất, bởi nơi đây tập trung những doanh nghiệp lớn của tỉnh. Năm 2013, tổng giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ thương mại tại KKT Dung Quất đạt 130.000 tỷ đồng, thì trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 126.000 tỷ, còn lại là thương mại, dịch vụ chiếm 4.000 tỷ. 
 
Nếu tính đến hết năm 2013, tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 30.500 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), thì riêng Nhà máy lọc dầu và KKT Dung Quất là 28.000 tỷ rồi. Như  vậy, nếu nói về nguồn thu thì lĩnh vực công nghiệp chiếm 92%, trong đó riêng Nhà máy lọc dầu chiếm tỷ trọng chiếm 89%. Như vậy có thể nói sản xuất công nghiệp mang lại nguồn thu chủ yếu cho tỉnh. 
 
- Theo kế hoạch thì năm 2014, Nhà máy lọc dầu sẽ ngừng 2 tháng để bảo dưỡng. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu cũng như ngành công nghiệp của tỉnh, thưa ông?
 
- Phải khẳng định rằng, năm 2013, Nhà máy lọc dầu hoạt động khá ổn định, xấp xỉ 6,5 triệu tấn, nhờ vậy tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2013 đạt tới 13,1% (vượt xa kết quả dự kiến tại kỳ họp HĐND vừa qua là 11,3%). Có thể nói, hiện nguồn thu nhà máy lọc dầu chiếm 89% nguồn thu ngân sách toàn tỉnh. Chính vì vậy, mọi hoạt động của nhà máy đều ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của tỉnh.
 
Theo kế hoạch năm 2014, Nhà máy lọc dầu sẽ tạm dừng 2 tháng để bảo dưỡng định kỳ, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu của tỉnh. Do đó mà tỉnh cũng đã điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ tăng khoảng 1%. Tuy nhiên, theo nhận định thì các lĩnh vực công nghiệp khác vẫn tăng trưởng bình thường, thậm chí sẽ cao hơn trong năm 2013, bởi nó không ảnh hưởng gì đến ngành lọc dầu.
 
- Như vậy, mục tiêu đề ra trong phát triển công nghiệp của tỉnh trong năm 2014 là gì?
 
- Năm 2014, mục tiêu đưa ra là rất rõ. Tỉnh  vẫn tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá và 2 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đã đề ra. Trong 3 nhiệm vụ đột phá thì đầu tiên vẫn là công nghiệp, đây được xác định là đầu tàu. Trong đó, vẫn tập trung vào KKT Dung Quất.
 
Năm 2014, tỉnh vẫn xác định KKT Dung Quất hiện hữu vẫn là KCN nặng trên cơ sở các dự án KCN hiện có, vẫn sẽ kêu gọi các dự án Công nghiệp khác. Bởi KKT Dung Quất có những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp nặng như có cảng biển, gần quốc lộ… Một khi công nghiệp nặng phát triển thì công nghiệp phụ trợ cũng sẽ phát triển theo.
 
- Cũng liên quan đến công nghiệp. Việc thu hút các dự án FDI của tỉnh trong năm 2013 được đánh giá khá tốt. Và liệu việc thu hút các dự án FDI này có khả quan trong năm 2014 và những năm đến? 
 
- Thu hút FDI năm 2013 vào Quảng Ngãi cũng hết sức khả quan và thú vị. Tỉnh đã cấp giấy phép cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư 72 triệu USD. Hiện tỉnh đang làm thủ tục để cấp giấy phép cho thêm 2 dự án nữa có tổng vốn 44 triệu đô. Đây là một kết quả rất đáng mừng trong điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. 
 
Nổi bật là trên địa bàn tỉnh đã khởi công được dự án VSIP Quảng Ngãi. Đây là bước khởi đầu cho phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp phụ trợ. Với những khách hàng truyền thống của mình thì VSIP sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư FDI đầu tư vào KCN VSIP trong năm 2014 và những năm đến.
 
Công nghiệp trở thành nghành mũi nhọn của tỉnh trong những năm đến.
Công nghiệp trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh trong năm 2014 và những năm đến.
 
Có thể nói rằng, trong năm 2014 và những năm đến, Quảng Ngãi sẽ có làn sóng đầu tư FDI. Bởi Quảng Ngãi đã mở đầu cho nhiều dự án FDI khá thành công, trong đó phải kể đến Doosan Vina… Với sự thành công của Doosan Vina trong thời gian qua, sắp tới sẽ có nhiều dự án đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Quảng Ngãi…
 
Kế đến là đầu tư từ Singapore. Hiện Nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW, với tổng vốn 2 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư cũng đang hoàn thành các thủ tục trình các bộ, ngành TƯ. Nếu dự án này khởi động thì sẽ có một luồng vốn FDI từ Singapore vào Quảng Ngãi.
 
Một luồng đầu tư nữa là từ Nhật Bản. Hiện nay cũng đang hoàn thiện các thủ tục để trình các bộ, ngành TƯ để tiếp tục thực hiện Nhà máy thép Dung Quất trên cơ sở tích hợp Tập đoàn thép JFE của  Nhật Bản và Nhà máy thép Quảng Liên. Đây là dự án khá lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến 4-5 tỷ USD. Như vậy, nếu Nhà máy này khởi động trong năm 2014 thì nguồn vốn FDI từ Nhật Bản sẽ rất lớn. 
 
- Nói như vậy thì bức tranh phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi trong thời gian đến sẽ rất khả quan. Vậy tỉnh sẽ có những chính sách như thế nào để nhà đầu tư thật sự yên tâm khi đầu tư vào Quảng Ngãi.
 
- Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, làm sao để các nhà đầu tư khi đến Quảng Ngãi sẽ cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, với những gì làm được thì vẫn chưa đủ để nhà đầu tư yên tâm. 
 
Vì vậy, trong thời gian đến tỉnh sẽ nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách vượt trội hơn để thu hút nhà đầu tư. Trong đó, công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng cũng phải tính đến, đây là điều mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong năm 2014-2015, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nhất là tại KKT Dung Quất và các KCN. 
 
Cùng với đó, tỉnh cũng phài tính đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển. Nguồn lực là vấn đề được quan tâm của các nhà đầu tư. Hiện nay, ngoài chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh thì tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo nhân lực tại chỗ. Hiện các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh cũng đã và đang đào tạo nguồn nhân lực cho KKT và KCN. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2014-2015,  tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 38-40%.
 
- Cảm ơn ông!
 
M.Toàn (thực hiện)
 

.