Ông Trương Đình Đức – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:
Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở tỉnh ta đạt kết quả chưa cao

09:10, 17/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13.10.2011 về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được trong công tác này,  PV báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Đức – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

PV:  Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong việc thực hiện nghị quyết giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi trong nửa nhiệm kỳ qua?

Ông Trương Đình Đức: Qua tổ chức thực hiện, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, từ năm 2010 đến 2012 đã giải quyết việc làm cho 2.099 lao động, chủ yếu thông qua các chương trình như xuất khẩu lao động, sàn giao dịch việc làm, dạy nghề. Công tác dạy nghề cho thanh niên trên địa bàn các huyện miền núi đã được chú trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động ở các huyện miền núi đạt thấp, chỉ khoảng 10,79% vào cuối năm 2012 và ước đạt 12,65% vào cuối năm 2013. Dự kiến đến năm 2015 đạt 19,33% (nghị quyết đề ra đến năm 2015 đạt trên 40%). Công tác xuất khẩu lao động cũng có chuyển biến, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Thực hiện Quyết định 167/CP về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trong giai đoạn 2009-2013, các huyện miền núi được hỗ trợ 17.007 nhà. Đến nay đã hoàn thành 12.001 nhà, đạt  70,57%. Việc thực hiện các chính sách, dự án mới đặc thù theo Nghị quyết 30a, qua 2 năm (2011-2012) thực hiện đã có 1.148 hộ tham gia khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; 4.306 hộ hỗ trợ lần đầu giống cây trồng rừng sản xuất; hỗ trợ khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho 16 xã; hỗ trợ tiền mua giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho 14.571 hộ và 753 ha.

Có 29 xã hỗ trợ mua 100% vắccin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ đào tạo nghề cho 725 học sinh; hỗ trợ tăng cường cán bộ về công tác tại xã cho 21 người; 66 công trình được đầu tư... Dự án 135 về hỗ trợ sản xuất trong năm 2012 cho 5.602 hộ; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo QĐ 102 trong 2 năm (2011-2012) có 362.381 lượt người…

Kết quả giảm nghèo trung bình 2 năm (2011 -2012) giảm 6,33%. Ước thực hiện hộ nghèo năm 2013 của khu vực còn 23.838 hộ, đạt 42,71%, giảm 5,48% so với năm 2012 nhưng chưa cao (chỉ tiêu nghị quyết đề ra là  giảm từ 5- 7% hộ nghèo/năm).

PV: Như ông đã nói, một số chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết đạt chưa cao và có khả năng không đạt, vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Trương Đình Đức: Quá trình thực hiện Nghị quyết số 04 đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đó là, đội ngũ cán bộ cấp xã ở 6 huyện nghèo hiện nay còn nhiều bất cập về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý còn yếu và không đồng đều, nên việc lãnh đạo điều hành các chương trình, dự án còn hạn chế, làm chậm tiến độ thực hiện.

Địa bàn hoạt động tại các huyện nghèo rộng, thuộc vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí, trình độ tổ chức sản xuất của người dân còn rất thấp. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các ngành, địa phương trong việc lồng ghép sử dụng vốn vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất còn hạn chế dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn vay đầu tư cho sản xuất của người dân chưa cao. Phần lớn hộ nghèo thiếu vốn, chậm tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật; một bộ phận không ít còn thụ động, thiếu nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hằng năm còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân hằng năm còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao, nhất là trong việc hỗ trợ con giống, cây giống chưa phù hợp với  tình hình sản xuất và nhu cầu của người nghèo. Hỗ trợ còn mang tính bình quân, chia đều. Đối với các chương trình đào tạo nghề của một số cơ sở dạy nghề mang nặng tính lý thuyết, thời gian hướng dẫn thực hành “cầm tay chỉ việc” cho người lao động còn hạn chế. Mặt khác, do lứa tuổi học viên không đồng đều, mặt bằng trình độ dân trí thấp ảnh hưởng lớn đến công tác dạy nghề…

PV: Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, trong thời gian sắp tới Sở sẽ làm gì để tỉnh thực hiện có hiệu quả các phần việc còn lại của nghị quyết?

Ông Trương Đình Đức: Trong thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề của tỉnh nói chung, trong đó tập trung ưu tiên cho 6 huyện miền núi. Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cả về chiều rộng và chiều sâu để tạo tính đồng thuận cao trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, dự án và nội dung của chương trình giảm nghèo. Đồng thời, đầu tư thực hiện có hiệu quả đề án luân chuyển cán bộ về cấp cơ sở để tăng cường phân cấp về địa phương tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Sở sẽ rà soát lại nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách giảm nghèo trên địa bàn; sắp xếp nhu cầu đầu tư theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở đề xuất của thôn, khu dân cư, của người dân, bảo đảm công khai, dân chủ, làm tốt công tác quy hoạch phát triển sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư về hỗ trợ dạy nghề cho lao động và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề tại các Trung tâm dạy nghề 6 huyện miền núi, chú trọng việc dạy nghề gắn với việc làm. Tích cực tuyên truyền vận động sự tham gia của người dân từ việc xây dựng đến triển khai thực hiện và hưởng lợi từ các chính sách, dự án cũng như trong các hoạt động giám sát đánh giá hiệu quả của Chương trình.


PV: Xin cảm ơn ông!


XUÂN HIẾU (thực hiện)


 


.