Áp dụng khung giá dịch vụ mới sẽ song hành với chế độ hỗ trợ bệnh nhân nghèo

10:04, 06/04/2012
.

(QNg)- Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư số 04) ngày 29/02/2012 của Bộ Y tế  và Bộ Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2012. Hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh đang xây dựng khung giá dịch vụ của đơn vị mình, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng cho biết việc triển khai thực hiện Thông tư số 04 và những thuận lợi, khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện ĐK QN.
 
*P.V: Việc triển khai, áp dụng khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư số 04 tại Bệnh viện ĐK QN như thế nào, thưa ông?

*Bs Nguyễn Tấn Hùng: Như chúng ta đã biết, Thông tư số 04 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành mức tối đa khung giá 447 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Thông tư này đã "bãi bỏ khung giá một phần viện phí", bãi bỏ 80 dịch vụ tại "khung giá một phần viện phí"... mà Bộ Y tế đã ký liên tịch với các Bộ, ngành Trung ương trước đây.

Thông tư số 04 có 03 phần chính. Trong đó, Phần A quy định về "Khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe", Phần B về "Khung giá một ngày giường bệnh", Phần C, về "Khung giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm". Ở đây, tôi chỉ nêu một ví dụ, tại Mục A 1 (Phần A) quy định mức tối đa của khung giá "khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa" đối với từng loại bệnh viện như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 20.000 đồng; bệnh viện hạng II (bệnh viện đa khoa tỉnh): 15.000 đồng; bệnh viện hạng III: 10.000 đồng; bệnh viện hạng IV, các bệnh viện chưa được phân hạng, các phòng khám đa khoa khu vực: 7.000 đồng; trạm y tế xã: 5.000 đồng.

Đối với Bệnh viện ĐK QN, hiện nay chúng tôi đang tiến hành quán triệt và triển khai Thông tư số 04 và Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Theo lịch trình, từ nay đến 20/4/2012, chúng tôi thành lập Tổ xây dựng và hoàn chỉnh khung giá cho từng dịch vụ y tế tuyến tỉnh, sau đó trình Sở Y tế. Sở sẽ trình tỉnh để UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh thông qua, sau đó mới thực hiện. Theo tôi, có khả năng cuối năm 2012, đầu 2013 thì tuyến tỉnh mới thực hiện khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới.

*P.V: Dư luận xã hội cho rằng, áp dụng khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới thì bệnh nhân nghèo sẽ gặp khó khăn trong khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, ông nghĩ gì về điều này?

*Bs Nguyễn Tấn Hùng: Thông tư số 04 sẽ thực hiện song hành với Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều  của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Với Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg, đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh gồm: Người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn; người thuộc diện hưởng chế độ xã hội hàng tháng; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí. Tôi đơn cử, về khoản hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, mức tối thiểu bằng 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày. Ngoài ra, các đối tượng này còn được hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước...

*P.V: Được biết, hiện nay trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh của Bệnh viện ĐK QN còn thiếu, gây khó khăn cho công tác chuyên môn, cụ thể về việc này như thế nào?

*Bs Nguyễn Tấn Hùng: Sau khi tiếp quản, đưa bệnh viện mới vào sử dụng, đến thời điểm này chúng tôi đã tiếp nhận 27/99 danh mục trang thiết bị (trong gói thầu thiết bị bằng nguồn ODA trị giá 3,3 triệu Euro). Trong 27 danh mục này đa phần đang phát huy hiệu quả trong phục vụ khám và điều trị bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn những danh mục thiếu những linh kiện đi kèm, hoặc bệnh viện chưa xây dựng được phòng ốc để bố trí thiết bị (như phòng cách âm cho máy đo điếc) nên chưa thể đưa vào sử dụng. Hiện nay những trang, thiết bị từ bệnh viện cũ chuyển sang đã lạc hậu và hay bị hỏng hóc, sửa chữa nhiều lần (như máy Ci-ti một lát cắt), gây tốn kém và khó khăn trong công tác chuyên môn.
Gần đây, Bệnh viện ĐK QN được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư trang bị thêm nhiều thiết bị y tế như máy mổ nội soi khớp, máy sinh hóa, nhất là việc tỉnh quyết định mua máy Ci-ti 64 lát cắt... Trong tương lai, công tác khám, chữa bệnh của Bệnh viện ĐK QN sẽ thuận lợi hơn. Nhân đây tôi cũng xin đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm tìm nguồn khác thay cho nguồn vay ODA của Tây Ban Nha trong gói thầu thiết bị, để Bệnh viện ĐK QN sớm được trang bị đồng bộ thiết bị y tế.

*P.V: Ông có thể cho biết thêm những thành công và tiến bộ mới trong khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện ĐK QN trong thời gian gần đây?

*Bs Nguyễn Tấn Hùng: Gần đây nhất chúng tôi đã thực hiện thành công việc mổ nội soi khớp gối. Sau khi được trang bị máy mổ nội soi, chúng tôi đã thực hiện tốt hơn công việc này. Bên cạnh đó, chúng tôi đã áp dụng thành công việc sử dụng Strép-tô-ki-nase để tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp. Với thành công này, chúng tôi đã đoạt Giải nhì trong Hội thi Khoa học tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII.

THANH TOÀN
 (thực hiện)

 


.