Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính, để giảm phiền hà cho người dân

09:08, 26/08/2011
.

 
(QNg)- Kết thúc giai đoạn 3 Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30), Quảng Ngãi đã cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Trao đổi về những giải pháp duy trì bền vững kết quả này, ông Lê Minh Huấn - Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết: "Tỉnh sẽ tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân".


PV: Ông đánh giá thế nào về những kết quả mà Đề án 30 đã đạt được?

Ông Lê Minh Huấn: Sau 3 năm thực hiện Đề án 30, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, đối chiếu, đơn giản hoá và kiến nghị Trung ương đơn giản hoá hơn 30% thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tránh chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi giải quyết hồ sơ hành chính. Sau khi rà soát, UBND tỉnh đã chốt danh sách thủ tục hành chính và tổ chức công bố bộ thủ tục "chuẩn" để thống nhất thực thi ở cấp tỉnh, huyện, xã. Ngoài những thủ tục đã quy định, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của tỉnh cũng như cán bộ, công chức thực hiện công vụ tuyệt đối không được tùy tiện đặt thêm thủ tục, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Có thể nói, Đề án 30 đã góp phần công khai, minh bạch hoạt động cơ quan hành chính, góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

PV: Thưa ông, giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra để tiếp tục duy trì kết quả của Đề án cụ thể là gì?

Ông Lê Minh Huấn: Đó chính là tăng cường công tác kiểm soát việc thực thi thủ tục hành chính trong thực tiễn. Việc kiểm soát ở đây được tiến hành từ nhiều chiều: tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính; giám sát việc thực thi thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, bao gồm từ chấp hành quy định về thủ tục cũng như giao tiếp, ứng xử khi tiếp xúc, giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nói tóm lại, kiểm soát thủ tục hành chính là để nâng cao hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng giải quyết hồ sơ hành chính có những đòi hỏi không chính đáng, không đúng quy định giải quyết thủ tục hành chính.

Nhằm duy trì kết quả đạt được của Đề án 30, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63 về kiểm soát thủ tục hành chính, để kiểm soát thủ tục hành chính từ khâu dự thảo đến ban hành, thực hiện trong thực tế cuộc sống; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hiện có, cũng như thủ tục bổ sung, sửa đổi. Sơ lược quy trình như sau: Trước khi ban hành, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo phải tiến hành đánh giá việc ban hành thủ tục hành chính đảm bảo sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp của thủ tục hành chính và đặc biệt là tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi ban hành. Sau đó cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến của cơ quan chức năng liên quan đồng thời với việc lấy ý kiến của phòng kiểm soát thủ tục hành chính - nội chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

PV: Hiện người dân, doanh nghiệp vẫn còn than phiền nhiều về thủ tục hành chính. Theo ông, đâu là nguyên nhân gây ra phiền hà?

Ông Lê Minh Huấn: Cải cách thủ tục là công việc đòi hỏi phải thường xuyên và phải cải cách trên nhiều phương diện, trong đó bao gồm cả đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Thủ tục dù có tinh gọn, đơn giản, nhưng ý thức phục vụ nhân dân chưa đạt thì phiền hà chưa thể giảm được. Vì vậy, ngoài việc loại bỏ những thủ tục, những khâu trung gian không cần thiết, thì cần quan tâm tập huấn nghiệp vụ, quy trình, kỹ năng kiểm soát thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính, nhất là bộ phận tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ hành chính. Vấn đề phân cấp, phân nhiệm rõ ràng, rành mạch, để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng cần phải được người đứng đầu cơ quan hành chính thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Khi làm tốt những yêu cầu trên, thì phiền hà tất yếu sẽ từng bước được đẩy lùi.

PV: Việc kiểm soát thủ tục hành chính cần thiết phải có sự tham gia của cả cộng đồng không, thưa ông?

Ông Lê Minh Huấn: Thực tế cho thấy, lĩnh vực  nào, địa phương nào làm tốt cải cách thủ tục hành chính, thì nơi đó luôn tạo được niềm tin của dân vào Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức. Phản ánh của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là hoạt động giải quyết thủ tục hành chính rất cần thiết, là cơ sở để xác minh, xử lý những cán bộ, công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách của mình. Do vậy, tỉnh rất cần sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc giám sát thực hiện thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như của cơ quan hành chính các cấp. Đó cũng là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: "Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nguyên tắc  chỉ ban hành và duy trì các thủ tục thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ pháp luật thấp nhất".

PV: Xin cảm ơn ông!

THANH NHỊ (thực hiện)

.