Huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2011

02:01, 20/01/2011
.

 
(QNg)- Kết thúc năm 2010, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi đạt được những thành tựu mới. Và đó cũng là những nguồn lực mới hết sức quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế cho biết những giải pháp và định hướng lớn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 qua cuộc trao đổi đầu xuân với phóng viên Báo Quảng Ngãi.

*P.V: Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh năm qua đều thực hiện đạt và vượt, Chủ tịch có thể cho biết một vài thành quả trong lĩnh vực kinh tế ?

*Chủ tịch Nguyễn Xuân Huế: Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, UBND tỉnh đã báo cáo và được thảo luận, góp ý, khẳng định tại kỳ họp thứ 25 – HĐND tỉnh khoá X và nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã đề cập. Điều hết sức đáng mừng là, năm qua, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao. Toàn tỉnh đã phấn đấu và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm gần 36%; làm cho tình hình chung của tỉnh phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết HĐND tỉnh khóa X về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) đề ra.
 
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt gần 19%, cao gấp đôi tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2005. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.228 USD năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (950 - 1.000 USD); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 270 triệu USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm 2009, bằng 117% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn trong năm 2010 ước đạt 15.482 tỷ đồng...

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng nhảy vọt. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 15.700 tỷ đồng, vượt dự toán năm và là năm có số thu cao nhất từ trước đến nay và thật sự đưa Quảng Ngãi trở thành 1 tỉnh nằm trong tốp 7 tỉnh đi đầu có nguồn thu ngân sách cao nhất cả nước và cân đối, điều tiết về ngân sách Trung ương; tỉnh ta cũng đã thật sự thoát khỏi tỉnh kém phát triển... Với thành quả khả quan trong năm 2010, cộng với việc huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển, tôi tin tưởng rằng,  chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2011.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ năm 2010 và kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, chúng ta đã hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng toàn diện tỉnh Quảng Ngãi cho nhiệm kỳ 5 năm 2011 - 2015, trong đó có những chủ trương lớn, những định hướng lớn đã được tổ chức thực hiện trong năm 2010 như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã tổng kết và đánh giá.

*P.V: Còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong năm 2011, thưa Chủ tịch?

*Chủ tịch Nguyễn Xuân Huế: Tổng kết năm 2010, trong một số lĩnh vực, UBND tỉnh đã chỉ rõ 8 vấn đề còn hạn chế, yếu kém. Ở đây tôi chỉ nêu một số tồn tại mang tính bức xúc, cần phải tập trung khắc phục, giải quyết trong năm 2011.

Thứ nhất, việc triển khai đầu tư và xây dựng một số công trình, dự án trên địa bàn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất ở một số nơi chưa thật sát hợp với thực tế. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết triệt để.

Thứ hai, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các phương thức canh tác tiên tiến, nhiều mô hình sản xuất tốt chậm được áp dụng trên diện rộng. Năng suất một số loại cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Tỷ trọng chăn nuôi còn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Kinh tế thủy sản phát triển chưa toàn diện và vững chắc. Nuôi trồng thủy sản phát triển chưa ổn định, quy mô còn nhỏ lẻ. Hiện tượng tàu thuyền ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện và phạt tiền vẫn thường xuyên xảy ra.

 Thứ ba, công tác xã hội hóa về giáo dục, y tế, hoạt động văn hóa vẫn còn nhiều lúng túng, chưa có giải pháp hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Phát triển giáo dục ở miền núi và vùng dân tộc còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất trường học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mạng lưới trường lớp ở các cấp học, ngành học nhất là ở ngành học mầm non, tiểu học và THCS ở miền núi.

Thứ tư, chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa cao. Tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế còn yếu, chậm được khắc phục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân.

Thứ năm, qui mô, chất lượng, cơ cấu đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Nguồn nhân lực có chất lượng cao còn thiếu. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm. Tình trạng lao động không có hoặc thiếu việc làm, nhất là thanh niên đến tuổi lao động đang là vấn đề đáng quan tâm. Mạng lưới dạy nghề tuy có tăng về số lượng, nhưng phân bổ không đồng đều, trong khi đó nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển đổi ngành nghề rất bức thiết.

*P.V: Chủ tịch có thể cho biết một số định hướng lớn về phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp - kinh tế nông thôn và lĩnh vực đầu tư phát triển năm nay ?

*Chủ tịch Nguyễn Xuân Huế: Như chúng ta đã biết, năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII và năm đầu thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
 
Mục tiêu chung của năm 2011 là đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; tập trung nguồn lực để thực hiện ba nhiệm vụ đột phá là phát triển công nghiệp, phát triển đô thị và phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Về kinh tế, chúng ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP:13,5 - 14%. GDP bình quân: 1.495 USD/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn:18.683 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển: 20.047 tỷ đồng... 
 
Về định hướng phát triển công nghiệp, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp vào khoảng 17 - 18% so với năm 2010. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm công nghiệp có thị trường, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu.

Đối với phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng bằng việc sử dụng giống mới có chất lượng, năng suất cao, có khả năng kháng bệnh. Phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích phát triển các loại gia súc, gia cầm, sản xuất hàng hóa theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung trang trại, nuôi công nghiệp, gắn với chế biến tập trung và xử lý chất thải. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hạn chế khai thác ven bờ, chuyển sang đánh bắt xa bờ. Cùng với nuôi tôm, mở rộng nuôi cá nước ngọt ở những vùng có điều kiện. Phát triển mạnh trồng rừng kinh tế, tập trung quản lý rừng phòng hộ. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Về định hướng đầu tư phát triển, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển năm 2011 của tỉnh. Ngoài nguồn vốn ngân sách hàng năm, lập kế hoạch để tranh thủ nguồn vốn ODA; tăng cường thực hiện các dự án theo hình thức BT; thu hút vốn FDI vào đầu tư phát triển; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước...

*P.V: Thưa Chủ tịch, những giải pháp nào được thực thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2011?

*Chủ tịch Nguyễn Xuân Huế: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, chúng ta sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính sau đây:

Triển khai có hiệu quả các chủ trương, biện pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương đề ra các giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của đơn vị nhằm góp phần đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh năm 2011.

Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, về lao động, về vốn... tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và các chính sách an sinh xã hội.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng. Thường xuyên tổ chức trực báo tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là công trình trọng điểm để kịp thời xử lý những vướng mắc, tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình. Quản lý chặt chẽ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; minh bạch hóa, công khai qui trình, thủ tục đầu tư; chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi thu hút vốn vào các lĩnh vực, ngành nghề mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư. Thực hiện nhất quán các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Triển khai và thực  hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến tạo việc làm và giảm nghèo, nhất là các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, Chương trình 30a. Đẩy mạnh hoạt động cho vay phát triển sản xuất, giảm nghèo và công tác xuất khẩu lao động. Tập trung chỉ đạo đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đặc biệt là cho lực lượng lao động trẻ.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; giải quyết có hiệu quả các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với huy động các nguồn vốn từ công tác xã hội hóa để tạo sự chuyển biến căn bản trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế; bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với việc giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề văn hóa, xã hội.

Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kết hợp lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ có triển vọng để từng bước hình thành đội ngũ cán bộ chiến lược của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo tại Quảng Ngãi của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan có liên quan nâng cấp Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán thành Trường Đại học Tài chính Kế toán vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Tài chính Kế toán.

Tiếp tục cải cách hành chính. Xây dựng các quy chế, quy định cụ thể để quản lý cán bộ và thuận lợi cho việc kịp thời thay thế, miễn nhiệm cán bộ năng lực, phẩm chất kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, có sai phạm. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ có đức, có tài vào các vị trí phù hợp. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới cơ chế sắp xếp và bổ nhiệm nhân sự theo hướng nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức.

Đẩy mạnh phát triển các ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Trong đó chú trọng việc hình thành vùng kinh tế động lực bao gồm TP. Quảng Ngãi, KKT Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300 ha hiện nay lên 45.332 ha, để hình thành thành phố công nghiệp mở, Trung tâm lọc hoá dầu quốc gia (công suất 10 triệu tấn/năm), gắn với cảng nước sâu Dung Quất II, sân bay Quốc tế Chu Lai, là Trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giữ vai trò quan trọng về quốc phòng của toàn miền Trung và Tây nguyên trong tương lai...

Đẩy mạnh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.

Phát triển vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo theo hướng sản xuất hàng hoá, trọng tâm là hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Đối với tiểu vùng ven biển và hải đảo, phát triển tổng hợp kinh tế biển; chú trọng khai thác cảng biển, phát triển công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ nghề cá...

Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng được đặc biệt chú trọng, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
 
*P.V: Xin cảm ơn Chủ tịch đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này !

THANH TOÀN (thực hiện)

.