Đến thời điểm này, ngành y tế vẫn kiểm soát được dịch bệnh

08:10, 10/10/2009
.

 

 

(QNg) - Dịch cúm A/H1N1 vừa tạm lắng, thì Quảng Ngãi lại phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão lũ. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh xung quanh vấn đề chỉ đạo phòng, chống các loại dịch bệnh trong thời điểm hiện nay.


PV: Sau bão lũ, nguy cơ về dịch bệnh, nhất là bệnh đường truyền nhiễm, tiêu chảy là rất lớn... Vấn đề này ngành y tế đã chỉ đạo phòng, chống như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Phương: Để phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, ngành y tế đã cung cấp toàn bộ thuốc, hóa chất khử nước, khử trùng cho các trạm y tế, kể cả các TTYTDP và Trung tâm y tế tuyến huyện trong toàn tỉnh. Trong bão, ngành y tế cũng kịp thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống và sau bão, lãnh đạo Sở Y tế  cử 4 đoàn khám về tất cả các nơi thiệt hại nặng, vừa kiểm tra khắc phục hậu quả, khử khuẩn nguồn nước bị ô nhiễm, vừa khám chữa bệnh cho nhân dân các địa phương này đề phòng dịch bệnh lây lan. Trong đợt này đoàn đã đưa về các xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), Tịnh Minh (Sơn Tịnh), Bình Minh, Bình Chương (Bình Sơn) 45 cơ số thuốc, 200.000 viên Chloramin, 200 kg Chloramin bột và trích kinh phí của Sở 20 triệu đồng mua thuốc giúp nhân dân điều trị các bệnh ngoài da, tiêu chảy.

Hằng ngày, Sở Y tế đều chỉ đạo TTYTDP tỉnh phải trực tiếp kiểm tra và cấp thuốc phòng chống dịch bệnh; đồng thời Sở cũng chỉ đạo các TTYT, các BVĐK và phòng y tế tăng cường xuống cơ sở, đặc biệt là các Trạm y tế xã chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Đến giờ phút này về cơ bản ngành y tế cũng thanh khiết môi trường cho nhân dân, ngăn ngừa được dịch bệnh.

PV: Theo thống kê thì thiệt hại đối với ngành y tế không nhỏ, nhất là nhiều trạm y tế tuyến xã bị hư hỏng nặng, vậy Ngành Y tế chỉ đạo khắc phục khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Phương: Khó khăn của ngành là do Trạm y tế xã, phường, thị trấn đã phân cấp quản lý cho huyện, do vậy những thiệt hại của trạm y tế phải do huyện quyết định. Tuy nhiên về chuyên môn thì Sở Y tế chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sơ,û để giúp dân trong mùa mưa bão. Riêng một số xã bị thiệt nặng nặng về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như xã Bình Minh (Bình Sơn) thì trước mắt Sở quyết định trang bị cho xã phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Đối với một số trạm y tế khác thì Sở chỉ đạo vừa tiến hành xử lý môi trường, giúp dân xử lý nguồn nước đồng thời xem xét cái gì được thì dùng, không được thì sẽ bổ sung sau. Tất cả các trạm phải trở lại hoạt động bình thường để phục vụ tốt việc khám chữa bệnh cho nhân dân

PV: Riêng đối với dịch cúm A/H1N1 - bệnh dịch mà Quảng Ngãi đã rất vất vả phòng chống trong một tháng qua, đến thời điểm này nguy cơ, diễn biến như thế nào, thưa ông?


Ông Phạm Hồng Phương: Khi Tổ chức y tế thế giới công bố đại dịch thì thường nó sẽ tồn tại trong 2 năm, đối với dịch cúm A/H1N1 thì nó phát triển vào mùa lạnh và tháng 11, 12 ở Quảng Ngãi bước vào mùa đông. Thời quan qua, dịch cúm A/H1N1 đã lây lan nhanh ra cộng đồng và bùng phát mạnh trong vòng nửa tháng trong tỉnh, ngành y tế đã huy động toàn bộ lực lượng trong ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Nhờ đó đến thời điểm này dịch bệnh đã lắng xuống và số ca nghi nhiễm giảm rõ rệt. Hiện tại chỉ còn trên 100 ca nghi nhiễm (trong tổng số trên 3.700 ca giám sát) đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên theo dự báo thì đại dịch cúm A/H1N1 sẽ lại bùng phát một đợt nữa vào mùa đông, vì vậy ngành y tế đang cố gắng triểân khai quyết liệt các biện pháp phòng chống trong cộng đồng, đặc biệt là trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhằm hạn chế sự lây lan và tử vong. Ngành y tế cũng đảm bảo đủ thuốc cho việc điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1.

PV: Ông có khuyến cáo gì đến người dân trong việc tự phòng bệnh cho bản thân trong thời điểm này?

Ông Phạm Hồng Phương: Cùng với việc xử lý nguồn nước sinh hoạt cho gia đình, vệ sinh môi trường xung quanh, thì người dân cũng nên đề phòng dịch cúm A/H1N1, nhất là với thời tiết như hiện nay thì bệnh rất dễ phát sinh trở lại. Người dân cần chú ý đến những khuyến cáo của Bộ Y tế như, nâng cao thể trạng bằng cách bảo đảm đủ dinh dưỡng, giấc ngủ và tập luyện thể thao. Đặc biệt cần ngăn ngừa sự lây nhiễm bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng và mũi bằng khăn tay khi ho hoặc hắt hơi và hạn chế khạc nhổ…


Thanh Thuận
(thực hiện)


.