75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9:
Sự mẫn cảm của một nhà chiến lược quân sự tài năng

09:08, 31/08/2020
.
TRẦN ĐĂNG
 
(Baoquangngai.vn)- Nhìn dáng vẻ thư sinh của Nguyễn Chánh, ít ai nghĩ rằng ông là một nhà cầm quân với tài thao lược hiếm thấy của một vị tướng “đánh đâu thắng đó”. Ông được đánh giá là một trong những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hôm Nguyễn Chánh qua đời (24.9.1957), tiễn biệt người đồng chí của mình, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết: “Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết". 
Chân dung tướng Nguyễn Chánh.
Chân dung tướng Nguyễn Chánh.
Nội chuyện đưa ra quyết định chuyển Đội Du kích Ba Tơ về đồng bằng đủ để thấy một nhãn quan chiến lược của Nguyễn Chánh. Chính sự chuyển hướng hoạt động này đã mở ra cơ hội to lớn trong việc phát triển lực lượng vũ trang kết hợp với quần chúng, nhanh chóng giành chính quyền về tay nhân dân, để Quảng Ngãi trở thành  tỉnh đầu tiên ở Trung Trung Bộ làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám sớm nhất trong khu vực vào ngày 14.8.1945.
 
Chọn thời điểm “vàng” để hành động
 
Như chúng ta đã biết, đêm 9.3.1945, sau một thời gian “gầm ghè” nhau, phát xít Nhật bất ngờ hất cẳng Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương tiên liệu sự kiện này trước sau gì cũng sẽ xảy ra nhưng không ngờ nó lại nhanh đến vậy. Một cuộc họp khẩn của Ban thường vụ Trung ương Đảng mở rộng được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh. Sau khi nhận định tình hình, ngày 12.3.1945, một Chỉ thị mang tính chiến lược, được xem như “thần chú” lúc bấy giờ ban ra và phổ biến rộng rãi: “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thời đó đâu có các phương tiện liên lạc hiện đại như bây giờ để mà chỉ đạo sát sao, Đảng Cộng sản lại đang hoạt động bí mật nên tất cả đều thực hiện các chỉ thị từ Trung ương một cách sáng tạo nhất. Nhiều địa phương đã “hành động” ngay sau Chỉ thị này. Riêng Quảng Ngãi, những người tù Cộng sản tại căng an trí Ba Tơ đã khởi nghĩa và ra mắt chính quyền cách mạng trước đó một hôm , tức ngày 11.3.1945.
 
Trung tướng Nguyễn Đôn, nguyên Đội phó Đội Du kích Ba Tơ phân tích: “Nếu hành động trước mùng 9.3, tức trước ngày Nhật đảo chính Pháp, thì Pháp sẽ đàn áp phong trào vì lúc ấy chúng còn rất mạnh, cả về vũ khí lẫn lực lượng. Còn nếu chúng ta khởi nghĩa muộn hơn 11.3 thì Nhật sẽ có thời gian để củng cố lực  lượng ở Ba Tơ, cuộc khởi nghĩa sẽ gặp vô vàn khó khăn. Một trong những yếu tố để làm nên thành công của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là ở chỗ, những người tù Cộng sản ở căng an trí này đã chọn đúng thời điểm “vàng” để hành động mà không phụ thuộc vào Chỉ thị của Trung ương “Nhập-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. 
 
Về đồng bằng
 
Khởi nghĩa Ba Tơ là tiền đề để tiến tới giành chính quyền trong toàn tỉnh nhưng có lẽ chính quyền Quảng Ngãi sẽ không thuộc về nhân dân sớm như thế (14.8.1945) nếu như Tỉnh ủy Quảng Ngãi không quyết định chuyển toàn bộ Đội du kích Ba Tơ về trung du và đồng bằng, bám lấy quần chúng, tổ chức vũ trang để khởi nghĩa giành chính quyền. Nguyễn Chánh được xem như “tác giả” của cuộc chuyển quân mang tính chiến lược này.
 
Ngay sau ngày khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích vỏn vẹn vài chục tay súng nhưng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Chiến khu Cao Muôn cùng những địa danh Hang Én, Suối Loa… gắn liền với đội du kích. Có những thời điểm, những người du kích rơi vào tình cảnh đói kém cùng cực buộc phải giết thịt con ngựa của mình để làm thức ăn cầm cự. Trước tình cảnh khó khăn đó, chiến lược gia Nguyễn Chánh đã đề nghị chuyển Đội du kích về xuôi. Ông đã bảo vệ quan điểm đó bằng những phân tích thấu đáo để thuyết phục những đồng chí của mình. Phải có một nhãn quan chiến lược vô cùng nhạy cảm trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình như Nguyễn Chánh thì mới đưa ra quyết định như thế.
 
Tượng đài Ba Tơ
Tượng đài Ba Tơ
 
Điều ấy nói lên rằng, vì sao Nguyễn Chánh không phải là người khởi xướng cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, cũng không phải là một trong những lãnh đạo Đội Du kích ngay từ buổi đầu, ấy thế mà, ngay sau khi thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (Huế), trở về Quảng Ngãi đầu tháng 3.1945, ông đã vội vã lên ngay Ba Tơ và được phân công lãnh đạo Đội du kích này!
 
Nhà chiến lược quân sự tài năng
 
Tỉnh ủy đã tin tưởng giao cho một anh thanh niên mới 31 tuổi như Nguyễn Chánh để lãnh đạo một đội quân non trẻ của cách mạng đã là một sự tin tưởng lớn. Và Nguyễn Chánh đã không phụ niềm tin đó.
 
Sau khi quyết định rời khỏi chiến khu Cao Muôn, đội quân non trẻ ấy đã về xuôi để hòa nhập vào dòng thác cách mạng của quần chúng đang sục sôi lúc bấy giờ. Đội du kích đã nhanh chóng tuyển mộ quân để hình thành hai đại đội Hoàng Hoa Thám với 163 cán bộ và chiến sĩ ở Chiến khu Núi Lớn, Mộ Đức và 220 cán bộ chiến sĩ Đại đội Phan Đình Phùng ở chiến khu Vĩnh Tuy, huyện Sơn Tịnh. Hai “gọng kiềm” ở hai đầu của tỉnh Quảng Ngãi đã dần thít chặt lại cho đến ngày khởi nghĩa thành công 14.8.1945. Gần 400 cán bộ chiến sĩ này không những góp phần vào cuộc giành chính quyền của tỉnh mà nhanh chóng hình thành lực lượng vũ trang ra toàn khu Năm khi thực dân Pháp bắt đầu quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nguyễn Chánh, một lần nữa lại cầm súng lên đường.  Ông trở thành một cán bộ chính trị-quân sự toàn năng khi vào những năm cuối cùng của kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chánh là Bí thư khiên Tư lệnh Khu ủy Khu năm! 
 
 Bảo tàng Ba Tơ.
Bảo tàng Ba Tơ.
 
Có lẽ lớp người trên dưới 90 tuổi còn sống ở Quảng Ngãi không quên chuyến đi dân công “nhớ đời” vào năm 1953-1954 tham gia cõng lương thực và vũ khí vượt đèo Violak để đánh đồn Mang Đen. Đây được gọi là “chiến dịch  Bắc Kon Tum”, nhằm chia lửa với chiến trường Điện Biên. Người chỉ huy chiến dịch ấy là Nguyễn Chánh với tư cách là Tư lệnh Khu 5. Cùng với các cộng sự của mình, Nguyễn Chánh không chỉ là chỉ huy đánh tan cụm Mang Đen, Mang Bút- Kon Rẫy- cứ điểm kiên cố bậc nhất của Pháp tại Bắc Tây Nguyên, mà còn chỉ huy phá tan cuộc hành binh Ac-lăng (Atlante) làm cho viên Tư lệnh quân Pháp ở Tây Nguyên- De Beaufort bạt vía kinh hồn.
 
Trong một đoạn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại câu chuyện hôm ông tiễn những viên chỉ huy đầu sỏ của Pháp ở Đông Dương về nước (1955), một trong số đó có đề nghị cho ông ta được gặp người mà đã làm cho ông ta thất điên bát đảo suốt 9 năm ở chiến trường Tây Nguyên. Tướng Giáp đồng ý với lời đề nghị đó. Ông gọi cho Nguyễn Chánh để bố trí cuộc gặp này. De Beaufort- viên Tư lệnh Pháp tại Tây Nguyên vô cùng kinh ngạc khi nghe tướng Giáp nói: “Đây là người mà ngài cần gặp”, vì thấy cái dáng bạch diện thư sinh của Nguyễn Chánh-vị chỉ huy từng làm cho ông ta mất ăn mất ngủ suốt một cuộc chiến tranh trước đó không lâu.
 
Giữa lúc tài năng đang phát tiết đỉnh cao, Nguyễn Chánh đột ngột từ giã cõi thế vào đêm 24.9.1957 trong sự tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và các tướng lĩnh cùng thời. Nhà chiến lược quân sự, vị tướng lĩnh tài năng quê Tịnh hà, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi ấy mãi trẻ với tuổi 43 của mình.
 
 
 

.