Tìm về di tích chiến thắng 43 ngày đêm

10:03, 26/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách trung tâm xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) về hướng nam khoảng 5km, qua cầu Hiền Lương bắc ngang sông Hưng Nhơn (một nhánh của sông Vệ) là thôn Khánh Lạc. Đây là nơi từng diễn ra trận đánh 43 ngày đêm oanh liệt, hay còn gọi là chiến thắng Khánh Lạc Đông. Lực lượng bộ đội địa phương C75 thuộc Huyện đội Tư Nghĩa và du kích xã đã đánh bại kế hoạch “bình định” của ngụy quyền Sài Gòn và các phương án tiến công của địch vào vùng giải phóng của ta.

TIN LIÊN QUAN

Về xã Nghĩa Hà, chúng tôi được nghe nhiều cán bộ và người dân địa phương thông tin về diễn biến trận đánh năm xưa.

 Một trong những vị trí từng diễn ra trận đánh 43 ngày đêm từ 28.11.1974 – 4.1.1975.
Một trong những vị trí từng diễn ra trận đánh 43 ngày đêm từ 28.11.1974 – 4.1.1975.

Năm 1974, sau những chiến thắng liên tiếp trên chiến trường Quảng Ngãi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo: “Khẩn trương đẩy mạnh lãnh đạo, liên tục tiến công địch bằng ba mũi giáp công tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bắt tù binh, thu vũ khí giữ thế chủ động chiến trường...”.

Ông Lê Minh Chuyển, nguyên Đại đội trưởng C75 vẫn giữ mãi những ký ức về trận đánh 43 ngày đêm.
Ông Lê Minh Chuyển, nguyên Đại đội trưởng C75 vẫn giữ mãi những ký ức về trận đánh 43 ngày đêm.
Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Tư Nghĩa, Huyện đội Tư Nghĩa quyết tâm bảo vệ các vùng giải phóng thuộc khu đông Tư Nghĩa. Trong đó, chọn địa bàn thôn Khánh Lạc xây dựng trận địa chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, lấy lực lượng C75 làm nòng cốt, kết hợp lực lượng du kích và nhân dân địa phương xây dựng trận địa phòng ngự dựa vào địa hình, vật cản tự nhiên, đào hào giao thông công sự cơ động liên hoàn... Từ thôn Khánh Lạc Đông, quân ta có thể tiếp cận, uy hiếp quận lỵ Tư Nghĩa và cửa ngõ phía đông thị xã Quảng Ngãi.

Để thực hiện ý đồ lấn chiếm lại một số khu vực đã bị mất, quân địch đưa tiểu đoàn 70 đánh mở xuống nhằm giải tỏa áp lực bị uy hiếp ở khu vực cửa ngõ phía đông và nam thị xã Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, thực hiện ý đồ mở rộng tuyến đường thông ra biển.
 
Ngày 27.11.1974, địch đổ quân xuống xã Nghĩa Hòa, với hơn 500 quân biệt động đưa ra gò mả Đất đỏ, Đồng Xe, khu vực đông bắc trận địa Khánh Lạc Đông. Đến 6 giờ 30 phút sáng 28.11.1974, địch phối hợp tập kích vào trận địa Khánh Lạc Đông bằng các loại đạn cối 60 ly, 80 ly.

Quân địch chia làm các mũi tấn công ồ ạt, với ý đồ đánh tới đâu, ủi đốt phá tới đó, nhằm san bằng khu vực ra tới biển. Lực lượng C75 cùng du kích đã đánh bật các hướng và phá vỡ thế tiến công của địch. Kết thúc 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ xóm làng vùng giải phóng, C75 cùng quân dân xã Nghĩa Hà đã đập tan âm mưu của địch, làm tiêu hao sinh lực địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 90 tên địch, bắn hủy một xe thiết giáp, đánh hỏng một xe ủi, làm chủ hoàn toàn vùng giải phóng.
 
 
Di tích Chiến thắng Khánh Lạc Đông được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007.
Di tích Chiến thắng Khánh Lạc Đông được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007.
Năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích Lịch sử- văn hóa chiến thắng Khánh Lạc Đông. Đó là niềm tự hào của những người lính năm xưa và nhân dân địa phương.
Chiến thắng 43 ngày đêm Khánh Lạc Đông đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất và sáng tạo của quân dân ta xây dựng thế trận chiến đấu, dựa vào địa hình hiểm yếu để đương đầu với quân địch có quân số đông, vũ khí hiện đại hơn nhiều lần, góp phần vào giải phóng Quảng Ngãi (24.3.1975) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975).

Từ Nghĩa Hà, chúng tôi ngược về hướng tây đến nhà ông Lê Minh Chuyển (1950) ở thôn 2, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). Trong những ngày tháng ba, ông Chuyển vẫn nhớ như in quãng thời gian lịch sử tham gia trận đánh 43 ngày đêm lịch sử. Năm đó ông Chuyển mới 24 tuổi, là đại đội trưởng C75. Dù nay tuổi đã cao, sức đã yếu do di chứng của những vết thương trong chiến tranh, nhưng ánh mắt ông vẫn rạng ngời khi nhắc về trận đánh 43 ngày đêm.
 
Ông không quên những ngày tháng 11.1974, ông nhận lệnh đi tập huấn, chuẩn bị đạn, thực phẩm sẵn sàng tinh thần ra quân ngay. Bây giờ, những người lính tham gia trận đánh năm xưa vẫn thường gặp lại nhau để ôn lại những kỷ niệm. Có lúc về Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà, còn năm nay họ dự định gặp lại nhau tại thị trấn Sông Vệ.

Theo người dân địa phương, những dấu tích của trận đánh 43 ngày đêm hiện nay hầu như không còn nữa. Người dân đã nhiều lần gửi gắm ý kiến đề nghị tôn tạo di tích để giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời phát huy giá trị lịch sử trên địa bàn.
 
“Về phía địa phương đã bố trí diện tích đất, đồng thời kiến nghị lên cấp trên làm bảng chỉ dẫn thông tin, bia tưởng niệm... Tuy nhiên, đến nay do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc cắm mốc bảo vệ, làm bảng chỉ dẫn vẫn chưa thực hiện được”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Võ Văn Lợi cho hay.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.