Nghệ thuật điêu khắc, đắp nổi ở đình làng

07:11, 18/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đình làng ở Quảng Ngãi hình thành từ rất sớm, gắn liền với quá trình di dân, lập làng của người Việt ở Đàng Ngoài vào vùng đất mới từ khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Trải qua nhiều thế kỷ, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều đình làng mang dấu ấn văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, đắp nổi của người xưa.

TIN LIÊN QUAN


Dấu xưa trên... gỗ


Đình làng có chức năng thờ Thần Hoàng làng, các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền và làm nơi sinh hoạt, hội họp, tổ chức các hoạt động lễ hội của cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều đình làng cổ, mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc như: Đình An Định (Nghĩa Hành), đình Bình Chương (Bình Sơn), đình Liên Chiểu (Đức Phổ); đình An Hải, đình An Vĩnh (Lý Sơn)...

 

Đình làng An Hải (Lý Sơn).          ẢNH: TL
Đình làng An Hải (Lý Sơn). ẢNH: TL


Phần lớn các ngôi đình cổ xưa còn tồn tại đa phần có kiểu kiến trúc hình chữ Nhị, chữ Tam, chữ Đinh. Ngôi đình có kiến trúc hình chữ Nhị (二) thường có gian thờ Hội đồng chính giữa, hai bên thờ tiền hiền, hậu hiền. Chính điện ngôi đình có bốn cột, đường kính từ 30-60cm, liên kết với các xà gồ, trính bằng chốt mộng.

Trên mặt trính là trụ đội choãi cánh dơi, đế con tôm đỡ thượng lương, mái lợp ngói âm dương. Nội thất treo nhiều đối liễn chữ Hán, mặt giữa các trụ chạm khắc gỗ bao lam kiểu hoa dây, hoa cúc, tứ linh đối xứng, cân phân. Hai bên gian Hội đồng đặt hai bộ Bát Bửu khắc gỗ. Trong cùng là hậu cung liên kết với chánh điện bằng máng xối. Kiến trúc đầu kèo tại hậu cung chạm khắc hình đầu rồng, đuôi hình chim phượng thể hiện quân bình âm dương, trường tồn vĩnh cửu. Bề mặt thượng lương khắc chữ Hán ghi năm xây dựng ngôi đình. Tiêu biểu có đình Hổ Tiếu, đình Nghĩa An (Tư Nghĩa).

Nghệ thuật đắp nổi cổng đình An Định (Nghĩa Hành).
Nghệ thuật đắp nổi cổng đình An Định (Nghĩa Hành).


Ngôi đình có kiến trúc hình chữ Tam (二) có bố cục chính của kiến trúc gồm đình thượng, đình trung, đình hạ. Tiêu biểu có đình An Hải, đình An Vĩnh ở đảo Lý Sơn, đình Liên Chiểu (Đức Phổ). Riêng ngôi đình có kiến trúc hình chữ Đinh có kết cấu gồm nhà tiền tế và hậu cung. Phía trước là gian tiền sảnh làm bằng các bộ vì kèo, trụ chồng, choãi cánh dơi. Các kèo bắc qua đầu hàng cột hiên và cột vách nhằm đỡ phần mái hiên trước. Tiền sảnh và nhà tiền tế cách nhau bằng bộ cửa bàn khoa. Nhà tiền tế và hậu cung có chung một bộ mấu kiến trúc gỗ bên trong. Hiện nay, kiến trúc ngôi đình hình chữ Đinh được làm lại bằng vách chịu lực nhằm hạn chế số lượng gỗ bên trong. Hậu cung thờ thần, hai bên thờ quan tiền, vũ hậu. Tiêu biểu có đình Thi Phổ (Mộ Đức), đình An Đình, đình Lam Sơn (Nghĩa Hành).

Quá trình cộng cư, người Việt ở Quảng Ngãi còn giao lưu với nền văn hóa Chăm bản địa. Yếu tố văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong nghệ thuật điêu khắc gỗ qua mô típ trụ đội, đế con tôm là biểu tượng Linga và Yony. Âm dương hòa hợp sinh ra vạn vật. Qua điêu khắc, người nghệ nhân mong muốn các dân tộc cùng sinh sống trên vùng đất mới luôn đoàn kết để xây dựng làng xã tốt đẹp hơn.


Độc đáo nghệ thuật đắp nổi


Đây là mảng tạo hình nghệ thuật của ngôi đình, kết hợp với vẽ màu bích họa cho ngôi đình tăng giá trị thâm nghiêm sinh động. Tại các ngôi đình có bức bình phong, trụ biểu án ngữ trên lối đi chính của trục thần đạo. Sự xuất hiện của tấm bình phong thể hiện sự kính trọng của người trần đối với thần linh. Bởi lẽ, khi đi vào ngôi đình buộc phải rẽ sang hai bên mà không thể đi thẳng vào; đồng thời, đứng ở ngoài cũng không thể nhìn xuyên suốt vào điện thờ do sự che khuất của tấm bình phong. Trên hai mặt của bức bình phong thường đắp nổi tiền hổ, hậu lân, rùa ẩn dưới sen, cá chép hóa rồng...

 

Mô típ kèo cột khắc gỗ đình An Vĩnh (Lý Sơn).
Mô típ kèo cột khắc gỗ đình An Vĩnh (Lý Sơn).


Trên đầu hai trụ biểu thường đặt con kỳ lân, hoặc con nghê. Con lân và con nghê được nghệ nhân tạo dáng với các mảng khối sinh động, thân ghép sành sứ, phần đầu, mắt, mũi và răng đều lộ, tai vểnh, bờm dựng đứng trông rất hung dữ. Sau bình phong, trụ biểu là phần chính ngôi đình.

Đắp nổi trên đỉnh mái các ngôi đình chủ yếu là đề tài lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật... Các góc mái của ngôi đình cong lên như hình mũi thuyền, biểu hiện của nền văn hóa Việt. Sơ khai, người Việt sống trên thuyền và làm nghề trồng lúa nước. Các đầu hồi trang trí bình hoa, chim phượng, dơi. Con dơi là hình tượng của phúc khí mang ý nghĩa phúc đáo nên thường được người thợ đắp nổi ở tư thế treo ngược. Các phần triền chi thường được trang trí hoa dây thực vật mang hình tượng của thiên nhiên.


Bài, ảnh: M.TUẤN- T.PHƯƠNG





 


CÁC TIN KHÁC
.