Quán Cơm ở phía đầu cầu...

03:08, 24/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lớp người ngoài tám mươi tuổi ở huyện Sơn Tịnh, thường định danh về vị trí cầu Trà Khúc ở phía bắc bằng một tên gọi mơ hồ: Đầu cầu Quán Cơm. Xin được lưu ý là, trong văn bản hành chính, cầu Trà Khúc chỉ có một tên gọi duy nhất ấy, còn Quán Cơm là để xác nhận nó nằm ở đầu cầu phía bờ bắc. Nếu là tên gọi khác của cầu Trà Khúc thì nó chỉ tồn tại trong dân gian mà thôi.

Có lẽ từ khi cầu đường bộ bắc qua sông Trà được xây dựng, giới thương hồ xuôi ngược sông Trà hoặc khách bộ hành trên đường thiên lý Bắc-Nam phải định danh thêm một lần nữa để những ai chưa quen với chiếc cầu mới, thì cũng biết được vị trí mà mình cần tìm: Đầu cầu Quán Cơm. Điều này cũng có nghĩa, “quán cơm” đã có trước cây cầu- dĩ nhiên rồi. Vì sao lại có quán cơm tại đây để dân gian đặt “chết” cái tên ấy, rồi gắn với một công trình giao thông lâu đời và quy mô nhất tỉnh Quảng Ngãi này?

Có một cụm quán cơm

Ông Nguyễn Tùng, 87 tuổi ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) nói: “Thời trẻ, tôi thường đi buôn bán ở miệt đông Sơn Tịnh, gặp buổi trưa, hay vào đây ăn cơm. Không phải một, mà đến 3-4 quán. Các quán đa phần đều lụp xụp chứ không khang trang, cơm và món ăn giống như cơm “bình dân” bây giờ, có điều các chủ quán kho các loại cá đánh lưới được trên sông Trà thì rất ngon.

Cá được kho bằng trã đất, chủ quán xếp đặt các lớp lá gừng trông rất “mỹ thuật”. Cá đồng kho bằng trã đất, để lửa nhỏ liu riu cho vị cay của gừng thấm vào cá, không gì ngon bằng, bao nhiêu cơm, ăn cũng không đủ!”.

 Các quán cơm bên dưới cây đa di sản này, nay mọc lên
Các quán cơm bên dưới cây đa di sản này, nay mọc lên "quán nước".


Theo cụ Tùng, vị trí của từng quán cơm thì không còn nhiều người nhớ cụ thể nữa. Khi người Pháp, rồi sau này là người Mỹ mở rộng Quốc lộ 1 và đường về Sơn Mỹ đã làm thay đổi diện mạo của khu vực này. Có thể một vài quán cơm đã bị “giải tỏa” nhường đất cho việc mở rộng chỗ ngã ba này (bây giờ là ngã tư). Những cụ già chỉ nhớ láng máng là cả một cụm gồm nhiều quán cơm đều nằm chung quanh gốc cây đa cạnh khách sạn Mỹ Trà ngày nay.

Phía bên kia đường, tức phía tây Quốc lộ 1 thời ấy có một tiệm rượu khá lớn. Hồi đó, buôn bán rượu phải có giấy phép do người Pháp cấp, họ quản lý rất nghiêm ngặt và đánh thuế khá cao, nên không phải ai cũng có thể mở được tiệm rượu. Có lẽ chủ tiệm rượu có tên Xi-Ca (?) này là một người có thế lực và có tiềm năng tài chính trong vùng chăng?

Nơi giao thương nhộn nhịp

Tôi thắc mắc “Vì sao quán cơm không nằm bên bờ nam của cầu Trà Khúc, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi, mà lại nằm ở phía bắc, nơi mà vị trí địa lý không ưu ái cho lắm về mặt không gian, để có thể buôn bán thoải mái?”, cụ Tùng lý giải: “Các quán cơm đa phần là bán cho khách thương hồ xuôi ngược sông Trà thời đó. Buổi sáng, từ miệt phía đông sông Trà, các ghe thuyền giương buồm lên, đến “đầu cầu Quán Cơm” là vừa buổi trưa. Họ vào đây ăn trưa rồi tiếp tục cuộc hải trình lên mạn ngược tận vùng Tịnh Giang, thậm chí lên tận địa phận huyện miền núi Sơn Hà.

Thời đó, việc vận chuyển sản vật để giao thương giữa miền xuôi và mạn ngược, chủ yếu vẫn là đường sông. Trà Khúc là con sông lớn, luôn đầy nước, kể cả trong những ngày nắng hạn nên trở thành tuyến đường thủy huyết mạch của cả tỉnh. “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” là câu ca dao phổ biến cho nhiều tỉnh ở Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, nhưng nó cũng phản ánh một thực tế phổ biến về vận chuyển hàng hóa thời đó trên sông Trà. Vì chẳng ai có thể gánh nổi dăm mười quả mít non bằng đôi vai của mình rồi đi bộ mấy chục cây số từ Tịnh Giang, Tịnh Đông xuống tận Mỹ Khê, Sa Kỳ, để đổi cá chuồn cả.

Còn vì sao các quán cơm lại nằm ở vị trí đầu cầu phía bắc là do đoạn này thuộc “bên lở” của sông Trà. Vì là bên lở nên quãng sông này nước rất sâu, thành bến để ghe thuyền tấp vào mua bán, trao đổi hàng hóa. Các quán cơm mọc lên ở đây chính là để “đón” số khách thương hồ này. Rời khỏi những chiếc thuyền dưới sông, khách thương hồ sẽ gặp ngay “quán cơm” rồi. Vị trí đắc địa như vậy, nên các hàng quán bán cơm không chọn phía bờ nam sông Trà là vì lý do này.

Những địa danh bị quên lãng

Dọc hai bờ sông Trà có nhiều địa danh khá thơ mộng, nhưng dần dần bị chìm vào quên lãng. Bến Tam Thương ở phía bờ nam là một ví dụ. Hồi làm cầu Trà Khúc 2, có ý kiến đề xuất đặt tên cho cây cầu này là Tam Thương vì đầu cầu phía nam nằm cạnh địa danh ấy. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đề xuất trên không được chấp thuận.

Cũng như tên gọi xóm Thạch Bích khá hay (không phải thắng cảnh Thạch Bích tà dương), có nguy cơ bị xóa sổ, nhưng may thay, nó được “sống lại” và có thể trường tồn với thời gian vì được hóa thân vào cây cầu bắc qua sông Trà mang tên Thạch Bích sắp được đưa vào sử dụng. Riêng địa danh “Đầu cầu Quán Cơm” đã đề cập trên đây thì gần như mất hút cùng thời gian.

Thực ra cái tên “Quán Cơm” nó chả mấy thơ mộng như Tam Thương hay Thạch Bích, hoặc Long Đầu nằm cạnh đó, song địa danh này gắn với một thuở giao thương của cha ông mình từ mấy trăm năm trước. Bây giờ có hàng trăm quán cơm mọc khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi, cũng có thể xuất hiện cạnh các đầu cầu, nhưng ai đó chợt nhắc đến “Đầu cầu Quán Cơm” là địa chỉ này lập tức được định vị ngay: Nó nằm ở phía bắc cầu Trà Khúc cũ.

Nơi ấy không còn một quán cơm nào nữa, nhưng nó đã ký gửi vào bộ nhớ của bao lớp người thuộc miền Ấn Trà này. Bấy nhiêu đó cũng đủ để níu giữ những ai là người Quảng Ngãi xa quê.


 Bài, ảnh: TRẦN ĐĂNG


 


CÁC TIN KHÁC
.