Về nơi gìn giữ văn hóa thờ cúng thần Nông

07:03, 31/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi văn hóa thờ cúng thần Nông dần bị mai một, thì tại xóm Đập, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương (Bình Sơn) người dân vẫn còn gìn giữ tập tục cúng thần Nông mà cha ông để lại.

TIN LIÊN QUAN

Trong tâm thức của người Việt, thần Nông là vị thần ban cho mùa màng tươi tốt, nên việc thờ cúng thần Nông trở thành một nét văn hóa đặc sắc.

Cả làng cùng giữ giá trị văn hóa

 Men theo con đường đất đỏ, chúng tôi theo chân ông Trần Lợi (61 tuổi)-Trưởng xóm Đập, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương đến miếu thờ thần Nông. Dưới tán tre rợp bóng, miếu thờ thần Nông hướng về phía cánh đồng như để bao quát tầm mắt đến những thửa lúa, thửa ngô xa tít. Theo lời kể của ông Lợi, miếu thờ thần Nông được xây dựng cách đây rất lâu. Thời chiến tranh, ngôi miếu dựng bằng tre. Đến năm 2004, người dân địa phương góp tiền mua xi măng, gạch, đá tu sửa ngôi miếu cho kiên cố.

Miếu thần Nông được người dân xã Bình Dương (Bình Sơn) chung tay gìn giữ.
Miếu thần Nông được người dân xã Bình Dương (Bình Sơn) chung tay gìn giữ.


Ông Lợi cho hay, vào tháng 3 âm lịch hằng năm, khắp các cánh đồng lúa ở thôn, xã đều vàng ươm. Người dân bước vào mùa thu hoạch, những hạt lúa căng tròn được người nông dân hồ hởi chở về nhà. Đây cũng là thời điểm diễn ra lễ cúng thần Nông, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Theo tập tục, lúa thu hoạch xong xay thành gạo rồi nấu chín dâng những chén cơm nóng thơm mùi lúa mới lên cúng thần. Bên cạnh cúng cơm nóng, bà con thôn Đông Yên 2 còn làm nhiều món từ thịt heo, gà rồi thực hiện nghi thức như cúng giỗ tại nhà.

Ông Trần Trung (84 tuổi) trông coi, hương khói tại miếu thần Nông đã hơn 34 năm. Ông Trung cho biết, ngày làm lễ tạ ơn thần Nông không chỉ người dân trong xã mà ở các xã, huyện lân cận đều về dự, cầu mong thần phù hộ cho sức khỏe và mùa màng. Từ già đến trẻ quây quần chật kín cả miếu thần. "Sống đến tuổi này, chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống, điều khiến tôi vui mừng là người dân trong thôn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa cội nguồn", ông Trung bộc bạch.

"Dấu xưa còn lại chút này"

Hiện nay, ở khu vực miền núi tập tục thờ cúng thần Nông vẫn còn được gìn giữ. Sau khi thu hoạch mùa màng xong, đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức lễ cúng thần Nông ở tại nương rẫy hoặc nhà văn hóa của làng, chứ không có miếu thờ như ở đồng bằng. Tùy vào được mùa hay mất mùa mà lễ vật nhiều hay ít. Lễ cúng ở miền núi có tên gọi là cúng "thần Lúa", hay "Ngã rạ".

Theo Phó Giám đốc Sở VH- TT&DL Cao Văn Chư, ngày trước lễ thờ cúng thần Nông được nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng. Người Kinh và cả người đồng bào dân tộc thiểu số đều thờ cúng thần Nông. Thế nhưng khi xã hội ngày càng hiện đại, các loại hình công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển, nét văn hóa thờ cúng thần Nông ở nhiều địa phương dần bị phai nhạt.

Ông Cao Văn Chư chia sẻ: "Bây giờ, các lễ cúng cầu mùa người dân thường gộp cúng chung với ông bà tổ tiên, cầu mong phù hộ sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Chỉ còn một vài nơi như ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, miếu thờ thần Nông được người dân bảo vệ, gìn giữ, truyền đạt nét đẹp văn hóa đến con cháu. Việc làm đó vô cùng ý nghĩa".


Bài, ảnh: DƯƠNG NỮ



 


CÁC TIN KHÁC
.