Lý Sơn kỳ thú

08:02, 13/02/2016
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Tôi biết đảo Lý Sơn từ khi đọc truyện vừa “Lý Sơn mùa tỏi” của nhà văn Nguyễn Thành Long in trên báo Văn Nghệ cách đây gần 40 năm.

TIN LIÊN QUAN

Nguyễn Thành Long nổi tiếng là nhà văn viết rất kỹ, văn hay, truyện chặt, nhân vật thường trầm tính nhưng có số phận rất đặc biệt. Trong “Lý Sơn mùa tỏi”, nhân vật của Nguyễn Thành Long sở dĩ được nhà văn biết tới vì từng có thời gian làm người giúp việc trong nhà của em ruột nhà văn, ở thành phố Quy Nhơn.

Cô giúp việc này quê ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhưng nếu chỉ như thế cũng chưa ra chuyện. Cô lại là “biệt động thành” kiêm giao liên cho Việt Cộng, là một chiến sĩ hoạt động trong lòng thành phố, và “không phải dạng vừa”. Và sau giải phóng, trong một lần đi thực tế sáng tác ra đảo Lý Sơn, nhà văn đã gặp nguyên mẫu của mình, bấy giờ đã về hòn đảo quê hương để góp phần xây dựng nó. Qua nhân vật này, Nguyễn Thành Long muốn giới thiệu đảo Lý Sơn với bạn đọc cả nước. Lý Sơn, qua văn Nguyễn Thành Long, đã hiện lên vừa mộc mạc vừa lung linh, đúng như hồn cốt của nó trong hiện thực.
 

Đó là hòn đảo của 5 ngọn núi lửa đã tắt từ nhiều triệu năm trước, là nơi vua Gia Long đã ghé qua và để lại “Giếng Vua”, là nơi nhà văn Nguyễn Thanh Long ngây ngất trước những cánh đồng tỏi, đặc sản khiến Lý Sơn nổi danh là “Vương quốc tỏi”.

Bây giờ, đi du lịch Lý Sơn thật dễ dàng, nhưng tốt nhất nên chọn thời điểm sau Tết âm lịch, khi biển lặng sóng yên, cá về tấp nập. Mùa nồm non, ra Lý Sơn không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp rạng ngời của hòn đảo, mà còn được thưởng thức nhiều món hải sản tươi roi rói bà con ngư dân Lý Sơn mới đánh bắt.

Cách đây mấy năm, một pho tượng Phật bà Quan Âm hoành tráng đã được dựng lên trên đảo Lý Sơn. Đó là pho tượng do một Việt kiều ở Australia góp tiền dựng lên, để giúp bà con Lý Sơn cầu mong cho sóng lặng biển yên, nhất là mong cho bão đừng quét qua hòn đảo trong mỗi mùa bão lũ. Còn ngay trong ngày 17.1 của năm 2016 này, lễ khởi công quần thể tượng đài kỷ niệm những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa đã được tổ chức ngay tại đảo Lý Sơn.

Thăm Lý Sơn là để tự hào về những ngư dân quả cảm của mình, là để nung nấu trong tâm hồn lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, là để sẻ chia với người dân đảo Lý Sơn những thăng trầm và hạnh phúc của cư dân trên một hòn đảo vô cùng đặc biệt. Mấy năm nay, mỗi năm đều có hàng mấy vạn du khách khắp trong nước đi về Lý Sơn du lịch. Đó là những tour du lịch vì tình yêu Tổ quốc, vì tình yêu và sự ngưỡng mộ với một hòn đảo xinh đẹp và ngoan cường.

Những cảnh đẹp trên đảo Lý Sơn đã hiện rõ trước mắt du khách, nhưng những vẻ đẹp trong cuộc sống và trong tâm hồn người dân trên hai đảo Lớn và đảo Bé thì du khách phải nhẩn nha tìm hiểu, yêu thương và thông cảm mới phát hiện dần ra. Những vẻ đẹp ấy mộc mạc và ẩn giấu, nhưng là những vẻ đẹp đích thực của người Việt. Sống trên một hòn đảo nhiều sóng gió hiểm nguy chính là cơ hội để cô đúc những vẻ đẹp ấy.

Hoa hậu Lan Khuê, khi mang tấm bản đồ Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào cuộc thi hoa hậu thế giới tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), cô cũng đã gặp những bất lợi như những ngư dân Lý Sơn từng gặp khi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. Nhưng hoa hậu Việt Nam đã không lùi bước, cũng như những ngư dân Lý Sơn chưa bao giờ thôi bám biển Hoàng Sa. Cái kỳ thú của Lý Sơn còn ở chỗ đó, chứ không riêng ở phong cảnh đẹp. Và du khách Việt tới Lý Sơn cũng còn vì lý do ấy, bên cạnh nhu cầu thưởng ngoạn và hưởng thụ.

Vậy thì hãy đến Lý Sơn, để cùng nhau thấu cảm cùng nhau hứng khởi cùng nhau tìm được một điểm chung: Những nơi đẹp nhất ở đất nước mình, như Lý Sơn, như Đồng Văn, như Cà Mau…vẫn còn hằn lên nhiều vất vả, nhiều khó nhọc, vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ từ ngoại bang, vẫn kiên cường và lặng lẽ như đá, dù là đá núi lửa đã hóa thạch hay đá cao nguyên từng chìm sâu dưới đáy biển. Có nhà khoa học địa lý nói với tôi, trên đỉnh các núi đá ở cao nguyên địa chất Đồng Văn còn những hóa thạch của biển, như vỏ ốc, như xương cá…

Còn trên đỉnh 5 ngọn núi lửa đã tắt của Lý Sơn còn những hợp chất quí hiếm đã sinh ra sau những lần núi lửa phun trào. Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng vài ba lần tới cao nguyên Đồng Văn, cũng vài ba lần ra Lý Sơn đã cho tôi một cảm nhận: dường như, hai nơi này có những điểm tương đồng. Đồng Văn và Lý Sơn có thể có những cấu tạo vật chất địa lý gần gũi nhau, và đều… đẹp mê hồn như nhau. Vâng, chính cái đẹp từ hai vùng đất này đã kéo lại gần nhau những vùng địa lý khác xa nhau. Lý Sơn, nếu biết bảo tồn và phát triển, thì sẽ đẹp không thua kém đảo du lịch nổi danh thế giới là đảo JeJu của Hàn Quốc.

Tôi đã tới đảo này hai lần, và tôi biết vì sao JeJu bây giờ lại lộng lẫy như vậy. Lý Sơn, nếu biết tô chuốt, cũng sẽ đẹp không kém JeJu, vì Lý Sơn hoàn toàn có những đặc điểm, những kỳ quan mà JeJu có. Đều là hai hòn đảo núi lửa, đều có những ngọn núi có chóp núi hình phễu hứng trời xanh, đều có những dòng nước ngầm và những hang đá kỳ lạ. Và đây mới là điều quan trọng nhất: đều có những người dân bản địa hồn hậu, thật thà, cởi mở với du khách.

Bây giờ ra Lý Sơn, bạn có nhiều lựa chọn chỗ ở, nhưng tôi khuyên bạn, nên về nhà dân mà ở. Đó là hình thức du lịch Homestay, nhưng không chỉ như vậy. Người dân Lý Sơn mới chính là đối tượng bạn cần khám phá, chứ không phải hình thức du lịch ở nhà dân là mới lạ với bạn. Tôi, mới đầu nghe giọng nói của người đảo Lý Sơn rất khó, dù tôi là người Quảng Ngãi. Nhưng khi nghe ra được rồi, tôi lại rất thú vị. Đó là giọng nói mà ta rất ít gặp dọc vùng biển Việt Nam, là giọng nói như phơi cả ruột gan với người đối diện. Sự thân thiện là điều hiện rõ nhất từ giọng nói của người dân đảo Lý Sơn. Có cần thêm gì nữa không? Tôi nghĩ, mình phải đi phải gặp rồi mới biết. Nói trước nhiều khi làm mất đi sự tò mò mất đi sự ngạc nhiên./.

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 

   
 


CÁC TIN KHÁC
.