Nuối tiếc giếng cổ

05:07, 26/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các cơ sở thờ tự, lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa tín ngưỡng, thì những giếng nước ngọt quý hiếm tại các vùng ven biển được người dân trân trọng, nâng niu bảo vệ, gìn giữ như chính sinh mệnh của mình. Những giếng nước ngọt được người dân gọi tên với sự thành kính như giếng Vương ở xã Bình Hải, giếng Tiên ở xã Bình Đông (Bình Sơn). Tuy nhiên, theo thời gian, với nhiều lý do khác nhau, những giếng nước cổ hàng trăm năm này bị trơ cạn đáy, để lại nỗi tiếc nuối trong lòng nhiều người.

TIN LIÊN QUAN

Những điều thú vị về nguồn gốc

Sinh sống ở vùng ven biển, xung quanh chỉ toàn là nước mặn cho nên từ thời xa xưa, cư dân vùng ven biển luôn quý trọng nguồn nước ngọt. Điều đặc biệt đó là cùng với các đình làng, lăng vạn thì giếng Tiên tại thôn Tân Hy, xã Bình Đông cũng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của ngư dân.

Dù được giữ nguyên hiện trạng nhưng giếng Vương ở thôn Thanh Thủy, Bình Hải không còn nước.
Dù được giữ nguyên hiện trạng nhưng giếng Vương ở thôn Thanh Thủy, Bình Hải không còn nước.


Theo các vị cao niên ở Bình Đông thì từ nhiều thế kỷ trước, có đoàn thuyền từ Quảng Nam ghé vào nơi này. Khi ấy cả đoàn đều khát, vì nước ngọt dự trữ trên thuyền đã hết. Điều kỳ diệu là đoàn người trên thuyền đã phát hiện ra cách mép sông Trà Bồng có vũng nước uống có vị ngọt, trong khi xung quanh chỉ toàn là nước mặn. Tích về vũng nước ngọt đã cứu sống cả đoàn thuyền từ phương xa đến, nên giếng nước ngọt đặc biệt này được xem là nguồn nước do “trên ban xuống” nên người dân trong vùng gọi là giếng Tiên.

Còn nguồn gốc giếng Vương ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn thú vị. Trong câu chuyện do những người lớn tuổi ở thôn Thanh Thủy còn giữ lại thì giếng Vương là do vua Gia Long trên đường dẫn quân đi ngang qua nơi này đã phát hiện ra mạch nước quý giữa vùng đất đai khô cằn, thiếu nước này. Vua Gia Long rút kiếm ra cắm xuống mặt đất, bảo binh lính đào xuống sẽ tìm thấy nước. Còn khi các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu thì giếng Vương có vào thời vua Lê Thánh Tông khi vua Lê Thánh Tông cũng trên đường hành quân đã truyền lính đào để lấy nước cho binh lính uống. Vì nguồn gốc của giếng nước gắn liền với vua nên giếng có tên gọi là giếng Vương. Cũng có tranh luận cho rằng, giếng Vương là do người Chăm-pa tạo nên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến giếng Vương là công trình của người Việt, bởi các tảng đá dùng để xây dựng giếng không đồng đều, gọn ghẽ như các phiến đá vuông vức, bằng phẳng trong các công trình của người Chăm-pa.

Dù còn nhiều điều bí ẩn xung quanh nguồn gốc về các giếng nước ngọt được  cho cư dân vùng ven biển, nhưng điều đáng nói là người xưa đã rất tài tình khi tìm ra mạch nước ngọt quý và kỹ thuật đào giếng đạt đến trình độ cao. Bởi lẽ, mạch nước ngầm tại giếng Vương được phát hiện có vị trí cao, đáy giếng có độ cao bằng cả mặt đường trong khi vùng ven biển Bình Hải rất khó tìm ra nước ngọt. Còn vị trí của giếng Tiên ngày trước rất gần mép nước sông Trà Bồng, xung quanh chỉ toàn là nước mặn. Từ vị trí giếng Tiên chỉ cần xê dịch ra vài bước chân về các hướng là đã đụng nước mặn.

Giếng xưa chỉ còn trong ký ức

Trải qua hàng trăm năm, những nước giếng nước ngọt quý hiếm này là nguồn cung cấp nước cho người dân vùng ven biển. Dù mùa nắng hay mùa mưa, giếng Vương và giếng Tiên luôn đầy nước quanh năm. Ông Thái Văn Lạc (66 tuổi) ở thôn Thanh Thủy kể lại, ngày xưa để kéo nước lên người dân sử dụng mo cau làm gàu, lấy dây chuối bện lại thành dây buộc, chứ chưa có gàu nhựa và dây buộc bán sẵn như bây giờ. Vì ý nghĩa quan trọng của giếng Vương, nhân dân trong vùng đã nhiều lần tu  sửa giếng để giữ lại như một di tích trong lòng người dân.

Hiện nay, giếng Vương vẫn còn giữ nguyên vẹn hiện trạng, kể cả máng nước cho bò uống được người xưa thiết kế hợp lý bằng cách đục hai tảng đá ong to đặt hai bên khu vực giếng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với việc nhiều hộ dân trong vùng đào giếng sử dụng trong nhà dẫn đến mực nước ngầm bị tụt xuống. Giếng Vương ăm ắp nước ngọt lúc trước, giờ chỉ còn trơ đáy.

Ông Đỗ Văn Tài ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông nhớ lại, ngày trước mỗi khi ra khơi, ghe thuyền trong vùng đều ghé đến giếng Tiên kính cẩn lấy nước giếng rửa thuyền, giặt lưới mong ra khơi được mùa. Trong các lễ hội cầu an, cầu ngư thì ngư dân chỉ sử dụng nước của giếng Tiên, được xem là nước sạch ngọt nhất để dâng cúng. Ngày ấy, cả vùng này rất hoang vu, trên núi còn nhiều thú dữ, đường bộ đến giếng rất khó khăn, nguy hiểm. Muốn đến được giếng nước này, ngư dân phải dùng ghe thuyền đi bằng đường biển mới đến được giếng Tiên.

Ngày ấy, khu vực sông Trà Bồng bây giờ là một thương cảng khá sầm uất thông thương với phủ Bình Sơn nên lượng tàu thuyền ghé qua rất đông. giếng Tiên không chỉ là nơi cung cấp nước ngọt cho người dân trong vùng mà còn cung cấp nước ngọt cho các tàu thuyền ghé vào trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong quá trình thi công xây dựng các công trình trên địa bàn xã Bình Đông khiến mạch nước ngầm từ núi Đá Địch bị mất đi. Giếng Tiên bị khô nước nhưng vẫn còn giữ nguyên hiện trạng.
                              

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


CÁC TIN KHÁC
.