Cảm động Anh hùng Hồ Giáo

01:06, 14/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khó mà thống kê cho đầy đủ đã có bao nhiêu bài báo viết về người đàn ông hai lần được phong tặng danh hiệu  Anh hùng Lao động này. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ ghi lại vài cảm xúc đặc biệt trong những lần được gặp Anh hùng Lao động Hồ Giáo…

TIN LIÊN QUAN

Anh hùng, vì chăn nuôi giỏi

Anh hùng Lao động Hồ Giáo bây giờ cứ nhớ nhớ, quên quên. Tuổi già là vậy. Mà ông năm nay cũng đã tròn 86 tuổi. Cách đây chưa đầy năm, tôi cùng đồng nghiệp ở báo Sài Gòn Giải Phóng có dịp hầu chuyện ông. Khi ấy, nói chuyện đàn trâu, đàn bò, ông còn phấn chấn lắm. Bà Thành - vợ ông  bảo, dạo này tâm trí của ông không còn minh mẫn như trước nữa, nhưng mỗi khi có ai nhắc đến những con trâu Mura, hay đàn bò sữa Ba Vì, ông lại “tỉnh” hẳn ra. Bà Thành dứt lời, sau giây lát trầm ngâm, ông bắt đầu quay ngược cuộc đời mình từ những năm 12 tuổi bị bắt đi chăn trâu cho địa chủ, đến Cách mạng Tháng Tám thành công, ông gia nhậpViệt Minh tham gia chống giặc. Rồi tổng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, ông hăng hái ra chiến trường.

 Anh hùng Lao động Hồ Giáo.
Anh hùng Lao động Hồ Giáo.


Năm 1954, miền Bắc được giải phóng. Sáu năm sau, để phát triển sản xuất, xây dựng đất nước, tám vạn dân quân, bộ đội đã được chuyển ngành. Sẵn có “kinh nghiệm” chăn trâu thế là ông về Nông trường Ba Vì để nuôi heo lấy thịt, cải thiện chất lượng bữa ăn cho đồng bào, chiến sĩ. Bom đạn chiến tranh thôi cày xới, đồng cỏ Ba Vì hiện lên một màu xanh mướt, nông trường tăng gia nuôi bò lấy sữa. Từ vài chục con, lên con số trăm rồi ngàn con, mỗi năm cung cấp hàng chục tấn sữa tươi. Ngày đó, đất nước còn nghèo, chưa có các loại thuốc tây, thuốc kháng sinh để điều trị mỗi khi heo, bò bị bệnh. Thế nên, ông đã mày mò áp dụng các loại lá, rễ cây để chữa bệnh cho gia súc. Nhờ vậy, đàn heo, đàn bò do ông chăm sóc vẫn duy trì “quân số”, Nông trường Ba Vì vang danh khắp cả nước về mô hình điểm trong chăn nuôi. Ghi nhận thành tích ấy, năm 1966, Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động.

Miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, một lần nữa sứ mệnh của một thủ lĩnh chăn nuôi lại đặt lên vai ông. Rời những trảng cỏ xanh mướt của thảo nguyên Ba Vì, năm 1976 ông về với những cánh đồng cỏ voi mênh mông cao vút của Nông trường Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước). Ở đó, đàn trâu Mura 502 con do Ấn Độ tặng Việt Nam làm sức kéo và lấy sữa, trong đó có hai con được Thủ tướng Indira Gandhi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đang chờ ông. Với một thủ lĩnh có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, mười năm sau, có những con trâu Mura đạt trọng lượng 1.000kg. Và năm 1986, ông được phong tặng Anh hùng Lao động lần thứ 2.

Đồng xanh vắng bóng Anh hùng…

Ngày ông nghỉ hưu rời Nông trường Sông Bé về Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng ông 15 con trâu kèm lời căn dặn về giúp bà con quê hương thoát đói nghèo. Qua bàn tay chăm sóc của ông, nhiều nghé con ra đời, chuyển giao về cho các hộ dân chăn nuôi. Năm 2010, sức khỏe giảm sút, ông lại “hưu” lần nữa, để đàn trâu cho người cháu tên Tâm chăm sóc. Nhưng đàn trâu dường như đã quen hơi ông, nay thiếu vắng ăn uống giảm sút, gầy rộc, hao hụt dần. Ông bảo, mỗi lần lên thăm trại trâu, cứ dùng dằng chẳng muốn bước chân đi khi nhìn ánh mắt như trách móc của những con Mura. Cái mắt long lanh như có ngấn nước ấy ám ảnh ông suốt quãng đường về.

Rồi có đêm, ông nằm mơ thấy cả đàn trâu đông đúc đang chạy ùa, nhảy tung tăng như đám trẻ con. Tỉnh giấc, ông lại nằm nhớ miên man về những hình ảnh ẩn hiện đó khiến ông không tài nào chợp mắt. Vợ ông, bà Thành bỏ dở tay đang chăm cháu, cười hiền thêm vào: “Ông ngủ đâu có biết, chứ mấy chục năm nay rồi, năm nào tôi cũng chứng kiến những cơn giật mình, nửa đêm tỉnh giấc rồi trằn trọc nhớ trâu của ông”. Ông Giáo lại nở nụ cười tươi rói như thời đôi mươi.

Ký ức về những ngày tận tít Ba Vì hay xuôi về Sông Bé có lẽ chẳng bao giờ phai nhòa trong tâm trí ông, nên những việc làm của ông đều có bóng dáng của những con trâu thân thương trong đó. Chị Tuyết Minh, con gái ông kể: “Ngày con tôi còn nhỏ, vừa mới bập bẹ nói mà ba tôi đã dạy cháu thuộc lòng mấy câu thơ: Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”. Bà Hiền, hàng xóm của ông Giáo cười vui, kể thêm: “Có lần, ổng đi chợ về, nhưng lại đi ngang qua nhà không chịu vào, cứ nhằm hướng trại trâu đi tiếp. Tui hỏi ông đi đâu, ổng mới giật mình thú nhận rằng tưởng còn đang chăm trâu ở trại trâu Hành Thuận (Nghĩa Hành) nên định lên đó”. Trong câu chuyện của ông, những con trâu luôn phảng phất hình bóng của con người. Ông bảo, muốn chăm sóc trâu tốt, phải hiểu được tính cách, tỉ mỉ, say mê, chịu khó, phải theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe… như chăm trẻ con ấy, chứ không dễ đâu.

Nhà thơ Tố Hữu có lần gặp Hồ Giáo đã viết: “Lần trước gặp anh/Chăn bò trên Tam Đảo/Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo/Chăn bò ở Ba Vì/ Hỏi anh: Có thú vui gì?/Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò…”. Cái thú ấy của Hồ Giáo, người duy nhất cho đến nay được phong tặng hai lần Anh hùng Lao động của ngành chăn nuôi, giờ đây sẽ bớt vui khi “ca từ” của bài ca Mura rơi vào nốt lặng. Cách đây ít hôm, tôi trở lại gặp Anh hùng Hồ Giáo, nhưng ông giờ không còn nhớ gì nữa. Vậy là từ nay, trên tuyến đường từ TP.Quảng Ngãi đi huyện Nghĩa Hành dài chừng 7km sẽ vắng hẳn bóng dáng một ông già tay xách cặp lồng đi bộ, nhưng lại đội mũ bảo hiểm màu xanh. Những cánh đồng thơm mùi cỏ non sẽ không còn hình bóng người Anh hùng hiền hậu, chất phát nữa…

Bài, ảnh: MINH TRIỀU
 


CÁC TIN KHÁC
.