Bún mắm Đức Lợi

06:05, 31/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những người phụ nữ ở làng biển Đức Lợi (Mộ Đức), chẳng ai không biết muối mắm cá cơm. Cá cơm tươi cùng cách muối truyền thống đã làm nên những vại mắm thơm ngon, đậm đà. Và cũng chính loại mắm này là gia vị không thể thiếu để có những tô bún mắm đặc trưng mà chỉ đến Đức Lợi mới thưởng thức và cảm nhận hết vị ngon của món ăn này.

TIN LIÊN QUAN

Khoảng đầu tháng hai, khi những con cá cơm tươi roi rói cập bờ thì đây cũng là lúc những người phụ nữ làng biển tất bật chuẩn bị các hũ sành, vại, phi để muối mắm. Những mẻ cá cơm tươi, thịt chắc được muối theo tỷ lệ 5:1 (5 kg cá, muối với 1 kg muối hột). Bàn tay của các bà, các chị nhẹ nhàng, khéo léo trộn đều cá và muối trong vại, giúp cá nhanh chín và đều vị. Chừng một năm sau, những vại cá này sẽ chín, có màu đỏ, người ta gọi là mắm cái. Mắm cái có vị thơm nồng, đậm đà và đặc trưng vị biển.

Bún mắm Đức Lợi.
Bún mắm Đức Lợi.


Là người bán bún mắm gần 20 năm, cô Cao Thị Hường (56 tuổi) ở thôn An Chuẩn, chia sẻ: “Bún mắm là món ăn bình dân, nhưng được nhiều thực khách yêu thích. Những ngày lễ Tết, trung bình mỗi ngày tôi bán cả trăm tô bún mắm, tương đương từ 15 – 20kg bún”. Mắm cái để ăn với bún sẽ được người bán khéo léo pha trộn thêm tỏi, ớt, dứa để làm dịu đi cái mặn của mắm lại vừa thơm thơm, cay cay. Còn bún ở nơi đây cũng rất chân chất, nó chẳng bóng bẩy, trắng trẻo như ở các nhà hàng mà mềm mềm, trắng đục màu của gạo quê. Trong cái tô sành, thực khách tùy ý cho bún, mắm, rau, tương ớt, miễn sao hợp khẩu vị. Nhẹ nhàng trộn đều các thứ lên, hương thơm nồng của mắm, tươi mát của rau, cùng vị chua chua ngọt ngọt của dứa, tỏi, ớt quyến rũ vị giác một cách lạ thường.

Rảo bước đi trên một con đường đất nhỏ ở thôn An Chuẩn, tôi thật sự bất ngờ và lấy làm thú vị khi chỉ cách 15 - 20m là có một quán bún mắm với vài cái bàn con con và không một bảng quảng cáo nhưng vẫn đông người đến ăn. Cô Hường giải thích: “Khách người ta rành lắm! Xuống Đức Lợi là biết ngay có bún mắm nên cứ thế mà đi, mà tìm đến chứ không cần quảng cáo”. Ngày thường, những hàng quán bún mắm như quán cô Hường chỉ để dăm ba cái bàn, còn dịp lễ, Tết thì có đến chục cái, đôi khi khách đến đông quá, cô mời vào cả bàn ăn trong nhà.

Người dân miền biển vốn tính chân chất, mộc mạc, có lẽ vì thế mà món ăn do họ làm ra cũng bình dị và thân thương như thế! Nếu một lần ghé ngang Mộ Đức, du khách nên xuống Đức Lợi để ngắm nhìn biển cả và thưởng thức món bún mắm đong đầy tình quê.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


CÁC TIN KHÁC
.