Danh ca Hồng Mão: Vang bóng một thời

02:11, 30/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã gần 70 năm trôi qua kể từ cái thời nghệ thuật bài chòi “lấn át” trong các hoạt động văn hóa-văn nghệ ở xứ Quảng, vậy mà đến giờ nhiều cụ ông, cụ bà đã tám mươi, chín mươi tuổi vẫn nhớ đến danh ca Hồng Mão, cây đại thụ bài chòi nổi tiếng một thời.

Danh ca Hồng Mão nay đã bước sang tuổi 85, hiện ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi. Một thời, ở khắp các làng quê, ngồi đâu người dân Quảng Ngãi cũng nói đến bài chòi, nhắc đến danh ca Lệ Thi, Hồng Mão. Bà con rất đỗi yêu thích bài chòi và với họ người hát bài chòi xuất sắc chỉ có thể “Thứ nhất Lệ Thi, thứ nhì Mão Thí”.

Yêu da diết làn điệu bài chòi

Sau quãng thời gian dài học tập, công tác ở Hà Nội, TP.HCM kể từ năm 1954, danh ca Hồng Mão quyết định về lại nơi chôn nhau cắt rốn để vui sống tuổi già. Rồ ga chạy xe xuống cửa Đông của thành phố, ông tìm gặp những người bạn để hàn huyên chuyện cũ. Tại đây, nhiều cụ ông, cụ bà tuổi đã tám mươi, chín mươi, những người mà cụ Hồng Mão trước đó chưa hề biết, họ mừng rỡ nắm lấy tay ông bảo: “Thứ nhất Lệ Thi, thứ nhì Mão Thí đây mà”. Thì ra trong lòng của người dân vẫn nhớ cái thuở bài chòi không thể thiếu trong đời sống.

Danh ca Hồng Mão.
Danh ca Hồng Mão.


Danh ca Hồng Mão vui lắm khi người dân vẫn nhớ đến mình. Riêng tôi, thế hệ thuộc hàng cháu chắt, thắc mắc sao gọi là Mão Thí. “Thế này, ông già tôi tên Thí. Ông hát hát hố giã gạo, hát và sáng tác bài chòi tại chỗ rất tài tình”, cụ Hồng Mão giải thích. Ở cùng thời với danh ca Hồng Mão giờ rất ít người còn sống.

Lúc năm, bảy tuổi, Hồng Mão theo cha đi đánh bài chòi và dần dà “nhiễm máu” đam mê bài chòi của ông cụ. Ngày ấy, cứ tết đến là người dân lại dựng chòi để chơi đánh bài chòi. Chòi mẹ, chòi con, đâu đâu cũng đông đúc người xem, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hô vang rộn rã. Những câu hát, câu hò mang đậm âm hưởng dân gian cuốn hút người nghe. Giọng hô bài chòi của Hồng Mão vang lên rất ngọt ngào. Ông trở thành người hô bài chòi có tiếng của đội văn nghệ xã Nghĩa Lộ được thành lập năm 1946. Đây là đội văn nghệ đầu tiên ở Quảng Ngãi.     

Sáng tác, biểu diễn bài chòi là công việc đội văn nghệ dành riêng cho Hồng Mão. Thường thì đêm đến, người dân tập trung để nghe cán bộ xã phổ biến các chủ trương, kế đến là thưởng thức dân ca, trong đó bị lôi cuốn bởi giọng ca bài chòi của Hồng Mão. Giọng ca Hồng Mão vang lên thì y rằng sau đấy là những tràng pháo tay cỗ vũ liên hồi. Ngày ấy, vài ba bữa đội văn nghệ lại cử người thay nhau đi tuyên truyền các vấn đề tùy vào tình hình được giao.

Độ chừng 11, 12 giờ đêm, mang theo chiếc loa kẽm, Hồng Mão đi khắp các ngõ xóm để ngâm bài chòi với nội dung  vận động nộp thuế, đi tòng quân, gìn giữ hòa thuận xóm làng... do ông tự sáng tác. Thế mà đồng bào lại thích, bởi giọng ca ngọt ngào, làn điệu gần gũi như lời mẹ ru. “Tuyên truyền vậy mà đồng bào nhớ lâu lắm. Phê bình uốn nắn lệch lạc qua làn điệu bài chòi rất hiệu quả, nội dung sát rạt nên đi đến đâu người ta cũng thích”, danh ca Hồng Mão nói.

Đến năm 1952, Hồng Mão là thành viên của đội Thông tin tuyên truyền thuộc Ty Thông tin Quảng Ngãi. Cũng với tình yêu và tài hát bài chòi, Hồng Mão đi khắp các xã trong tỉnh hát bài chòi cho bà con nghe. Ở cùng đơn vị có chị Lệ Thi, chuyên hát tuồng. Thấy điệu bài chòi hay quá, Lệ Thi nhờ Hồng Mão dạy cho cách hát. Danh ca Hồng Mão nhớ lại: “Chị Lệ Thi bảo, bài chòi hay quá, em dạy cho chị. Thế là tôi dạy, chị con nhà nòi nên khi hô được thì hô còn hay hơn mình”. Yêu mến và nể phục cặp song ca bài chòi nổi tiếng, người dân đã tặng cho cả hai vị trí người hát bài chòi xuất sắc trong lòng họ: “Thứ nhất Lệ Thi, thứ nhì Mão Thí”. Nghệ sĩ Lệ Thi hiện sống ở TP.Hồ Chí Minh.

Từ một nỗi niềm

Cuối năm 1954, Hồng Mão tập kết ra Bắc, sau đó công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam phụ trách chương trình dân ca nhạc cổ. Giữa thủ đô Hà Nội, làn điệu bài chòi được Hồng Mão sáng tác và đưa lên sóng. Năm 1962, Đài Phát thanh giải phóng ra đời, ông làm phó ban văn nghệ. Để đáp ứng niềm mong mỏi được nghe làn điệu dân ca cổ nhạc của đồng bào ở khắp mọi miền, Hồng Mão ngày đêm sáng tác bài chòi, giọng cổ, ca Huế... và đưa lên sóng phát thanh với các giọng ca nổi tiếng như Lệ Thi, Thái Sơn, Nguyễn Kiểm...

Dù ở bất cứ nơi đâu, ở cương vị nào chăng nữa thì tình yêu đối với các loại hình nghệ thuật dân gian, nhất là bài chòi xứ Quảng vẫn cứ dậy sóng trong ông. Nhiều bài chòi do ông sáng tác đã đi vào lòng người như bài Nhớ khu Năm, Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam, Em sẽ chờ đợi anh... Năm 1988, theo sự điều động của cấp trên ông về làm Giám đốc cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM.  

 Yêu da diết bài chòi là vậy, nhưng Hồng Mão vẫn đau đáu một nỗi niềm. Ông bảo: “Bài chòi là hồn của dân tộc, của quê hương. Nó chứa đựng tình cảm chân chất của quần chúng nhân dân. Bài chòi phải được bảo tồn và phát huy cho xứng với giá trị nghệ thuật đặc sắc vốn có từ bao đời của cha ông”.
 

Bài, ảnh: Phương Lý

 


CÁC TIN KHÁC
.