Huyền thoại Côn Đảo (Bài 1)

05:09, 30/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Côn Đảo đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Suốt 113 năm thống trị (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến Côn Đảo, nơi được ví là thiên đường cảnh đẹp thành “địa ngục trần gian” khét tiếng với nhục hình tra tấn man rợ nhất. Trong ngục tù tăm tối, các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã viết nên những trang sử cách mạng hào hùng.
 

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Nhói đau qua từng di tích     


Khó có bút mực nào có thể tả hết sự tàn bạo của quân xâm lược và bè lũ tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trên mảnh đất Côn Đảo. Sau gần 40 năm kể từ ngày Côn Đảo được giải phóng, đặt chân đến Côn Đảo hôm nay, người người đều cảm thấy nhói đau.


Dấu tích nhà tù

Tôi đứng khựng lại trước cổng di tích nhà tù đề dòng chữ: “Trung tâm cải huấn Phú Hải”. Mặc dù trước đó đã nghe về trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo này, thế mà trong tôi cứ cảm thấy bồn chồn. Trại Phú Hải là địa ngục khủng khiếp do thực dân Pháp xây dựng năm 1862 (còn gọi là lao I, nơi giam cầm người tù chống “ly khai” Đảng). Các sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Ngô Duy Tự, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng… từng bị giam cầm, đày đọa ở trại giam này.

Mỗi khi vào phòng giam, người tù đi qua 4 ổ khóa và bị cai ngục đánh đập tới tấp. Người tù bị cầm cố, cùm chân vào một thanh sắt dài xuyên suốt, quằn quại nằm trên bệ xi-măng. Địch như con thú khát máu người. Chúng thâm độc đến nỗi ngay cả cơm ăn cũng biến thành thuốc độc để giết người tù. Những đợt khủng bố mạnh, người tù chết như ngã rạ vì ăn cơm gạo trắng. Ngày nào ở lao I cũng có người chết.  

Thắp nén hương tưởng nhớ người tù đã khuất ở khám 6 (thời Mỹ-Ngụy, nơi đây là phòng-chết-điển-hình), nhiều người ngấn lệ. Dạo quanh trại Phú Hải, từng bước chân nhẹ tênh nhưng trong tôi lòng trĩu nặng. Nào là bệnh xá, nhà ăn, nhà nguyện, nhưng tất cả chỉ để lừa bịp. Người tù bệnh nặng đưa đến bệnh xá, nếu không ly khai Đảng, chúng để cho chết. Còn ở hầm xay lúa, nơi người tù gọi là địa ngục trong địa ngục. Ngoài việc kéo cối xay, vác lúa gạo, mỗi người tù phải kéo lê quả sắt cùm ở chân nặng từ 3-7kg. Người tù ở hầm xay lúa thường bị lao phổi nặng và mù mắt. Xà lim nơi Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi từng bị giam cầm vẫn còn. Kế khu xà lim là khu thực dân Pháp dùng để đày ải người tù lao động khổ sai đập đá. Tại đây, năm 1908 cụ Phan Chu Trinh khi bị lao động khổ sai đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng.  

Nhiều người cảm thấy nhói đau khi đến tham quan di tích chuồng cọp Pháp.             Ảnh: P.LÝ
Nhiều người cảm thấy nhói đau khi đến tham quan di tích chuồng cọp Pháp. Ảnh: P.LÝ


Rời trại Phú Hải, chúng tôi đến trại Phú Tường, tham quan khu chuồng cọp Pháp. Đây là nơi tra tấn tàn bạo nhất, đẫm máu nhất. Địch dùng mọi nhục hình để buộc người tù “ly khai” Đảng. Người tù chỉ cần cựa nhẹ, ở phía trên song sắt, địch dùng cây sọt chọc thẳng xuống. Nóng bức thì chúng đổ nước vôi; lạnh buốt thì dội nước. Mùa gió chướng, cái lạnh như cắt da cắt thịt, thế mà đêm nào người tù cũng hứng chịu những đợt tra tấn bằng nước lạnh, nước phân bò. Chúng cấm ăn, cấm uống, rồi lại lấy cả bát đũa, thức ăn đổ bừa ra sàn, đổ ngay chỗ người tù đại tiện, tiểu tiện. Mỗi lần chúng đánh đập thì y rằng “thập tử nhất sinh”. Dẫu thế, người tù vẫn một lòng “Trọn đời phục vụ cách mạng”. Chuồng cọp Pháp là nơi kết thúc thất bại chiến dịch ly khai của địch (1957-1961), đàn áp gần 2.000 tù chính trị. Đồng chí Lưu Chí Hiếu là người hy sinh cuối cùng tại chuồng cọp Pháp, chỉ còn sống 5 đồng chí.

Trại Phú Bình là nơi cuối cùng chúng tôi đến trong hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo. Nơi đây còn được gọi là chuồng cọp kiểu Mỹ, là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê-tông không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi-măng ẩm thấp. Phòng giam chật hẹp, ngay cả chỗ nằm người tù cũng phải thay phiên nhau. Đây là nơi nổi dậy đầu tiên vào đêm 30.4.1975 giải phóng Côn Đảo thoát khỏi “địa ngục trần gian” suốt 113 năm. Điều khiến mọi người cảm động, là để thoả ước mong cháy bỏng trong những tháng ngày dằng dặc chốn ngục tù, ngày đầu tiên sau giải phóng, người tù ở Côn Đảo đề nghị: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ!”.
 

Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua hai thời kỳ Pháp-Mỹ có 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng bò”. Có hơn 200.000 người tù bị giam cầm, trong đó hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo. Bên cạnh đó, còn có nhiều sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng người tù. Di tích Cầu tàu lịch sử 941, Cầu Ma Thiêng Lãnh cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục và hàng nghìn người tù bỏ mạng ở nơi này.

Máu “nhuộm” nghĩa trang Hàng Dương

Trong suốt những hôm ở Côn Đảo, cùng đoàn nhà báo Quảng Ngãi đêm nào tôi cũng đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu, viếng các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước yên nghỉ nơi đây. Giữa đêm khuya, trong nghĩa trang luôn cất lên lời ca: “Mùa hoa lê-ki-ma nở/Ở quê ta miền đất đỏ/Thôn, xóm vẫn nhắc tên người Anh hùng/Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma mở…” khiến cho lòng người ấm cúng đến lạ. Ở phần mộ Cô Sáu, cây lê-ki-ma đã đơm hoa, kết trái. Ở Côn Đảo, nhà nhà lập bàn thờ Cô Sáu. Huyền thoại về liệt sĩ Võ Thị Sáu được mọi người nhắc đến với niềm kính trọng vô bờ. Cô Sáu hiển hiện trong mỗi nóc nhà của người dân Côn Đảo, mang đến nguồn lực vươn lên trong cuộc sống.

Trong suốt 113 năm thống trị, ngày nào địch cũng cho xe chở xác người tù vùi ở Nghĩa trang Hàng Dương. Nhiều đồng chí kịch liệt chống ly khai Đảng, lúc chết cũng chẳng được yên nghỉ, địch cứ bới hài cốt lên rồi chôn xuống. Ngay cả bia mộ Cô Sáu, chúng cũng nhiều lần đập phá. Nhưng bia cũ đập đi, bia mới lại được dựng lên. Ngay cả tên chúa đảo Tăng Tư cũng khiếp sợ Cô Sáu. Tấm bia mộ Cô Sáu do vợ chồng Tăng Tư lập nay vẫn còn. Ở Nghĩa trang Hàng Dương có gần 2 vạn người tù yên nghỉ, thế nhưng chỉ có 1.921 phần mộ. Mỗi tấc đất ở Nghĩa trang Hàng Dương đều rất đỗi linh thiêng, là nơi yên nghỉ của người tù. Ngày ngày, người dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, thắp nén hương tưởng nhớ người tù đã khuất.  

 

Phương Lý


*Bài 2:  Vũ khí không thắng nổi trái tim người
 


 


CÁC TIN KHÁC
.