Thạch Ky Điếu Tẩu non nước hữu tình

09:03, 22/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thạch Ky  Điếu Tẩu được gọi dân dã là Ông câu trên ghềnh đá, đây là một vùng non nước hữu tình ở bờ nam cửa biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), cách TP.Quảng Ngãi 16km, về phía đông bắc.

TIN LIÊN QUAN
Là một trong 12 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi, Thạch Ky Điếu Tẩu gồm hai quả núi đá tọa lạc trên cửa biển Sa Kỳ. Có lẽ sự hào phóng của thiên nhiên đã ban tặng cho vùng cửa biển Sa Kỳ vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, với vẻ trầm tĩnh của đá hòa hợp với nhịp đập của sóng cùng với rừng dương liễu xanh và nắng vàng cát trắng đã tạo thành một bức tranh khá sinh động, hiền hòa giữa bộn bề cuộc sống.

Để đến được với Thạch Ky Điếu Tẩu, từ  xóm Gành thôn An Vĩnh bạn phải đi qua một con dốc dài thoai thoải với hai bên đường là hàng dương cao vút hòa với gió những khúc ca lý lắc nghe vui tai. Cuối con dốc ấy là một khung cảnh thiên nhiên lý thú với những ghềnh đá nghiêng xuống mé biển và kéo dài ra phía xa bị nước biển, sóng, gió... bào mòn không đồng đều, tạo thành những mỏm đá, hang đá rộng hẹp, những khối đá nhấp nhô trên mặt nước trông rất đẹp.

Phía dưới vạt rừng dương xanh rì là những triền đá đen trải dài theo mép biển  và cao hơn mực nước biển, nhìn từ xa như một đường viền uốn cong theo con sóng. Những triền đá liền thành một khối có chỗ nhấp nhô, nơi thì rất bằng phẳng tạo nên không gian thoải mái để bạn có thể nghỉ ngơi và ngồi ngắm mây trời.

 

Thắng cảnh Thạch Ky Điếu Tẩu ở Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh).                                                                      Ảnh: T.L
Thắng cảnh Thạch Ky Điếu Tẩu ở Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh). Ảnh: T.L


Phía xa ngoài mép nước một hòn đá đen nổi lên ở cửa biển có hình dáng  trông như người ngồi câu giữa dòng nước nên người dân ở đây gọi nơi này là Ngư Ông ngồi câu cá (Thạch Ky Điếu Tẩu). Đến đây bạn sẽ được thả trí tưởng tượng một cách thích thú với các câu chuyện truyền thuyết được người dân địa phương truyền tai nhau: Ngày xưa, lúc vùng này còn là bể, có một ông khổng lồ gánh đá lấp cửa biển, chỉ còn một đôi gánh nữa là xong nhưng vì gánh đá quá nặng, khi bước chân qua cửa biển, đòn gánh bị gãy, đá đổ hai bên cửa nay thành hai quả núi. Dấu chân ông Khổng Lồ còn in rõ và hang đá lộ thiên là lò nấu rượu của ông Khổng Lồ. Nên nơi này còn được gọi là “bàn chân Khổng Lồ” hay là Hầm Rượu.

Đặc biệt nơi này vẫn còn các vết lõm vào trên các mặt đá giống hình các dấu ngón chân đủ năm ngón và xếp theo hình bàn chân. Nếu có dịp đến đây hãy ướm chân mình vào vết chân ấy vì người dân quan niệm đó là một điều may mắn. Gần bên dấu chân Khổng Lồ lại là một tảng đá to bị sóng biển bào mòn vào lòng, đục rỗng cả ruột, mỗi đợt sóng vỗ vào đều ầm ồ như đang sôi, người ta mới đặt là Hầm Rượu. Phía xa xa là một vệt đá dài chạy thẳng ra biển người ta gọi là “đòn gánh” của ông Khổng Lồ.

Đến đây bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên yên bình với sóng biển vỗ tung bọt trắng lên ghềnh đá.  Thả mình trên các bãi đá nhìn ngắm mây bay trên bầu trời, bạn  sẽ có cảm giác bình yên đến lạ. Nếu đến đây vào những ngày hè nóng bức,  trầm mình vào sự mát mẻ tinh khôi của dòng nước biển xanh mát,  bạn sẽ có cảm giác những muộn phiền, bực bội như trôi xuôi theo dòng nước. Nơi này là một điểm đến thích hợp cho những người có sở thích bơi, lặn, và muốn trải nghiệm những cảm giác khác biệt với những vùng biển khác. Nếu dư giả thời gian hơn một tí, muốn ngắm nhìn chiều tà trôi qua biển bạn hãy ngồi tĩnh lặng trên một mỏm đá nào đó, thả cần câu và ngồi suy nghĩ về những điều vẩn vơ mà cuộc sống thường nhật bon chen quá, vội vã quá, mà bạn khó lòng đủ thời gian để mà nghĩ suy.

Nơi này, thiên nhiên như ban tặng cho nó cái vẻ đẹp kì ảo hơn, khi mỗi buổi chiều tà hình ảnh những mỏm đá, hang đá nổi chìm nhiều dạng trở nên kỳ ảo, và huyền ảo lạ lùng. Chiều là lúc người dân cùng những chiếc thúng câu nhấp nhô nơi mé nước trở về với tôm cá và lũ trẻ đùa nghịch cùng sóng nước hòa với những ánh sáng yếu ớt cuối ngày đã tạo nên bức tranh nên thơ và kỳ diệu. Cách đó không xa còn có một con suối nhỏ chảy theo khe nước vào mùa mưa từ phía trên núi xuống, nước ở đây rất ngọt  và mát, nên người dân còn gọi là suối Tiên.

Nhờ tựa vào những ghềnh đá, hốc đá mà các loài hải sản sống ở đây nhiều hơn hẳn các vùng ven biển khác: Cá đối, cá hanh, cua, ghẹ, chình biển, rắn biển, nhum, nhím biển, rau câu, rau chân vịt... đặc biệt là các loại ốc biển sinh trưởng ở đây khá nhiều. Với các loại như: ốc hương, ốc nón, ốc gai, ốc bướm... Sau một chiều bơi lội bạn trở về  ngồi bên một tô ốc nghi ngút khói, mùi mặn nồng của biển xông vào mũi cộng với mùi sả, lá chanh, ớt và một số gia vị khác sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn. Món ốc này được ăn kèm muối chanh, hoặc mắm me, chua chua, ngọt ngọt, mằn mặn hòa vào nhau đã ăn một lần khó mà quên được. Một lần ghé thăm Thạch Ky Điếu Tẩu, mới cảm nhận hết vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên cùng sự hồn hậu và hiếu khách của người dân đất Quảng.


Bùi Thị Thương
 


CÁC TIN KHÁC
.