Nét đẹp kiến trúc từ nhà gỗ xưa

02:12, 20/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều thế kỷ trước, trên đường hành hương về phương nam của tổ tiên chúng ta đã tạo nên những sắc thái mới của văn hóa bản xứ, trong đó có kiến trúc nhà cửa. Nhà gỗ xưa ở Quảng Ngãi phản ánh những bước tiến đáng kể về kiến trúc, thể hiện cuộc sống ngày một đổi thay phát triển, cùng với lao động sáng tạo của các thế hệ thợ mộc ngày xưa.

Trình độ kỹ thuật, nghệ thuật trang trí nghề mộc làm nhà gỗ của thợ Quảng Ngãi thể hiện qua các kiểu nhà cặp tứ chái, nhà cặp, nhà giao kỷ, nhà song nga, nhà nhất hậu đâm nhì tiền, nhà sáu trính, nhà tre, và các chạm trổ tăng thẩm mỹ cho nhà gỗ. Giữa những kiểu nhà này, kết cấu giàn trò hoặc nguyên bản, hoặc có sự cải tiến pha trộn nhau nhằm giảm chi phí làm nhà, tăng diện tích sử dụng và sở thích của gia chủ.

 

Toàn cảnh nhà cặp  nguyên bản, chỉ lợp lại  phần mái.                                                                  Ảnh: B.V.T
Toàn cảnh nhà cặp nguyên bản, chỉ lợp lại phần mái. Ảnh: B.V.T


Trước hết nói về nhà cặp tứ chái, giàn trò gồm cột, kèo, xuyên, trính, rui mè (tương tự ron, lách nhà ngày nay), đòn giông đều bằng gỗ tốt, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch. Loại nhà này có đến bốn hàng cột: nhất, nhì, ba, tư. Cột hàng nhất, nhì đứng trong nhà, hàng ba đỡ vách và cửa, hàng tư là cột hiên, chái, cột quyết. Nhà cặp tứ chái rất rộng, vững chắc bởi khá nhiều cột, nhìn từ ngoài vào bốn bề cân đối trông rất đẹp, còn bên trong chạm trổ công phu, chỉ gặp ở gia đình hào phú hoặc đình làng tiếng tăm.

Đối với kiểu nhà cặp, tương tự nhà cặp tứ chái nhưng giảm bớt cột chỉ còn ba hàng: nhứt, nhì, ba. Cột hàng nhất đứng trong nhà, cột hàng nhì là chỗ tựa của vách và cửa. Cột hàng ba mặt trước là cột hiên, mặt sau làm chỗ tựa của vách hậu. Rui mè có thể làm bằng tre nhưng phải là loại tre ngà già, được ngâm kỹ, không bị mọt phá hại. Tùy điều kiện kinh tế gia đình, trên mái có thể lợp bằng ngói âm dương (nếu rui mè bằng gỗ) hay tấm tranh (nếu rui mè bằng tre). Làm một ngôi nhà cặp mất đến vài năm mới xong và cũng tốn một khoảng tiền rất lớn, cho nên chỉ những gia đình khá giả mới có khả năng xây dựng.

Để giảm chi phí hơn nữa các thợ giỏi lại sáng tạo kiểu nhà giao kỷ. So với nhà cặp, nhà giao kỷ giảm được các kèo gỗ nối cột hàng nhất với hàng nhì, hàng nhì với hàng ba. Thay cho liên kết đó là kèo đôi bằng tre có chốt giao nhau ngay trên đòn dông gỗ, chốt gắn trên đầu cột. Trên kèo thả đòn tay tre, được buộc chặt vào kèo bằng sợi mây rừng và mái lợp tranh. Loại nhà này thường cao hơn và chạm trổ không cầu kỳ như nhà cặp. Thế nhưng nhà cặp, nhà giao kỷ đều có chung nhược điểm là cột choán chỗ, khó cho việc bài trí vật dụng hay lúc đông người.

Các thợ lành nghề lại nghiên cứu ra kiểu nhà nhất hậu đâm nhì tiền. Kiểu nhà này chỉ có bốn cột hàng nhứt phía sau nối với bốn cột hàng nhì phía trước bằng bốn trính dài. Bốn cột hàng nhứt mặt trước chỉ còn là bốn cột ngắn đặt trên bốn trính ấy. Các phần còn lại giống kiểu nhà giao kỷ. Như vậy kiểu nhà “nhứt hậu đâm nhì tiền” ít cột, rộng diện tích sử dựng hơn, đánh dấu một bước sáng tạo trong cải tiến kết cấu nhà tiện dụng của thợ mộc ngày xưa. Ngoài ra còn có một cải tiến khác là sáng tạo ra kiểu nhà song nga chỉ hai cột cái hàng nhứt, có trính ngang nối nhau là một vày chính. Làm nhà song nga ít tốn tiền, diện tích sử dụng rộng nhờ giảm cột hàng nhất.

Về sau, thêm một bước cải tiến mới, kết cấu giàn trò nhà theo kiểu khung hộp chữ nhật đó là nhà sáu trính. Nhà sáu trính thường tám cột, sáu xuyên, sáu trính, trong đó có bốn xuyên trường gánh hai cặp cột đội và hai trính là hai vày treo. Nhà sáu trính lợi diện tích, không bị cột chiếm chỗ ở hai gian xuyên trường. Còn vách nói chung đối với nhà giàu thì xây tường gạch, nhà chỉ mức khá giả thì dựng phên tre, làm mầm trĩ, trát đất bùn nhồi rơm rạ nhưng được nén đập, cạo gọt nên rất phẳng và đẹp. Nền nhà có thể lát gạch hoặc nền đất. Nếu nền đất thì được xử lý chống mối hiệu quả bằng cách chọn đất sạch, trộn vào đó gồm tro, muối, vôi và đầm nén thật chặt. Từ kiểu nhà gỗ, thợ mộc cũng vận dụng làm được nhiều nhà toàn bằng tre già ngâm kỷ chống mọt, mái lợp tranh hay rơm rạ, kết cấu giống nhà gỗ trông rất đẹp, trụ vững được trong gió bão, có thể sử dụng đến mấy chục năm. Đây là loại nhà phổ biến trong tầng lớp dân cư ở nông thôn ngày trước.

Năm tháng đi qua, cuộc sống ngày một đổi thay phát triển, nhà ở hiện tại phổ biến là xây đúc bê tông cốt thép hoặc có pha lẫn kiến trúc gỗ. Những kiểu nhà gỗ thời xưa nguyên bản còn lại rất ít, trở thành nhà cổ cần được bảo tồn. Đây cũng là nơi để mọi người chiêm ngưỡng, tìm hiểu tài nghệ và sự sáng tạo của nghề mộc các thế hệ tổ tiên.

Bùi Văn Tạo
 


CÁC TIN KHÁC
.