Trần Đại Nghĩa – nhà bác học, vị tướng, người anh hùng

03:09, 15/09/2013
.

Kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) sinh ngày 13-9-1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tân Bình, tỉnh Vĩnh Long. Người cha, ông Phạm Văn Mùi, là một nhà nho nghèo thường dạy con theo các chuẩn mực đạo đức Khổng giáo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Đỗ đầu kỳ thi thành chung (tương đương trung học cơ sở hiện nay) ở Mỹ Tho, Phạm Quang Lễ lên Sài Gòn, vào học Trường Chasseloup-Laubat, thi đỗ đầu tú tài bản xứ, sau đó, thi luôn tú tài Tây ban toán cũng đỗ đầu, rồi thi tiếp tú tài Tây ban triết đỗ hạng ưu.
 

Bác Hồ và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa
Bác Hồ và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa



Cha mất sớm, cảnh nhà mẹ góa con côi, ông không thể ra Hà Nội học lên bậc đại học. Phải bỏ dở việc học ngay từ khi còn trẻ, ông sớm thấu hiểu thế nào là nỗi tủi buồn của người nghèo. Mãi hai năm sau, ông mới nhận được khoản tiền trợ cấp của một người hảo tâm ở Nam Kỳ để sang Pháp du học.

Ra nước ngoài, mặc dù mục đích bề ngoài là học kỹ thuật dân dụng, ông vẫn thầm dặn mình phải tìm mọi cách học kỹ thuật chế tạo vũ khí để sau này trở về nước góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Suốt 11 năm ở Pháp (1935-1946), ông chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất là học cách chế tạo vũ khí. Trong suốt 11 năm dài dằng dặc ấy, ông chỉ có thể mò mẫm tự học một cách âm thầm, đơn độc và bí mật hoàn toàn.

Muốn nắm vững kỹ thuật quân sự, trước hết, phải tinh thông kỹ thuật dân dụng. Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Đại học Quốc gia Cầu - Đường Paris, một “trường lớn” của nước Pháp, vì thế, Bộ Thuộc địa của Pháp phải cấp học bổng cho ông. Sau đó, ông còn theo học các trường đại học lớn như Điện, Mỏ, Bách khoa và Viện Kỹ thuật Hàng không. Ông thi đỗ nhiều bằng kỹ sư, đồng thời, thi lấy nhiều chứng chỉ về khoa học cơ bản tại Đại học Sorbonne.

Qua mối quan hệ rộng rãi, ông lặng lẽ tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Dần dần ông gom góp được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí, hầu hết là tuyệt mật. Năm 1946, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, ông không mang theo một thứ của cải gì khác ngoài một tấn sách và tài liệu được đóng hòm dán nhãn “ngoại giao”.

Vừa về tới Hà Nội, kỹ sư Lễ đã phải lên Thái Nguyên cùng ông Tạ Quang Bửu thử đạn bazooka Mỹ để tìm cách tự chế tạo.

Ngày 5-12-1946, từ Thái Nguyên trở về Hà Nội, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Bắc Bộ Phủ (lúc đó là nơi làm việc của Người), giao cho trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới Bộ Quốc phòng. Để tránh gây nguy hiểm cho ông và gia đình ông ở trong Nam, Bác đặt ra bí danh Trần Đại Nghĩa.

Nửa tháng sau, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong các xưởng quân giới công nhân làm việc miệt mài. Đường ray xe lửa như có phép thần thông biến dần thành các bộ phận của khẩu bazooka, đúng như kỹ sư Trần Đại Nghĩa thiết kế, với dung sai nhỏ hơn 0,5mm. Bazooka bắn cháy xe tăng địch, bắn sập các ổ súng máy, khiến cho bọn giặc cố thủ trong nhà gạch cháy thành than. Bozooka bắn thủng vỏ thép làm chìm tàu chiến giặc trên sông Lô trong Chiến dịch Thu - Đông 1947.

Lúc bấy giờ, ta chưa có đạn bay (ca-chiu-sa). Còn đại bác thì, chỉ trong những chiến dịch lớn, mới lôi ra dùng bởi vì nó nặng quá chừng! Kỹ sư Nghĩa ước mơ chế tạo được một loại súng thật nhẹ, có thể di chuyển dễ dàng trên đôi vai anh vệ quốc, nhưng lại có sức công phá ngang một cỗ đại bác 6 tấn thép! Ông nghĩ tới súng không giật (viết tắt là SKZ). Đây là loại vũ khí tối tân, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa (Nhật Bản), cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhà bác học Trần Đại Nghĩa, cùng các cộng sự gần gũi như Nguyễn Trinh Tiếp, Hoàng Đình Phu, Bùi Minh Tiêu, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Văn Hường... phải lặp lại quá trình sáng chế SKZ, hoàn toàn độc lập với người Mỹ. Và, cuối cùng, ông và tập thể đã thành công. Thế là, chỉ sau Mỹ mấy năm, Việt Nam ta đã chế tạo được súng không giật. SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô-cốt địch có tường bê-tông dày hơn 1m.

Năm 1950, chiến trường Nam Trung bộ nhận được 10 khẩu SKZ và 150 quả đạn từ Việt Bắc chuyển vào. Trong một đêm, ta nhổ 5 đồn giặc. Quá hốt hoảng, địch tháo chạy thục mạng khỏi hàng trăm đồn bốt khác! Ít lâu sau, Nam bộ quê hương ông cũng bắt đầu nhận được SKZ. Có SKZ rồi, Trần Đại Nghĩa nghĩ tới đạn bay. Và ông cũng đã thành công, chế tạo được loại tên lửa nặng 30kg, có thể đánh phá các mục tiêu cách xa 4km.

Sau Chiến dịch Thu - Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm đợt đầu cho các sĩ quan cao cấp quân đội cách mạng. Nhà bác học Trần Đại Nghĩa được phong thiếu tướng cùng một đợt với các thiếu tướng khác như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng... Tại Đại hội Thi đua năm 1952, Trần Đại Nghĩa trở thành nhà trí thức Việt Nam đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhà nước ta đã phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho GS Trần Đại Nghĩa về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (súng bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954.
 

Theo HÀM CHÂU/Báo Sài Gòn giải phóng

 

 

 


CÁC TIN KHÁC
.