Khám phá những ngọn hải đăng nổi tiếng Việt Nam

02:04, 07/04/2013
.

Việt Nam hiện có 79 ngọn hải đăng, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và trên hầu hết các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam. Tạp chí Quê Hương xin giới thiệu tới độc giả một số ngọn hải đăng nổi tiếng của nước ta. Ngoài vẻ đẹp, tuổi thọ, độ kỳ vĩ…, đến với những ngọn hải đăng này du khách còn được tiếp cận một kho kiến thức phong phú về lịch sử và văn hóa.

 

Bên cạnh những ngọn hải đăng nằm ở những thành phố lớn hay ở những nơi cửa sông tấp nập thuyền bè qua lại thì hầu hết những ngọn hải đăng đều nằm ở vị trí xa xôi, hoang sơ… Với những người thích du lịch, ưa mạo hiểm thì việc chinh phục và khám phá những ngọn hải đăng sẽ là một chuyến đi hết sức thú vị.

 

Hải đăng Hòn Dấu

 

Cách đất liền khoảng 20 phút đi thuyền, hải đăng Hòn Dấu tọa lạc giữa đảo Dấu - một hòn đảo nhỏ hình quả trứng chỉ rộng 0,7km², thuộc khu Du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là công trình do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành vào tháng 6/1898. Tháp cao 5 tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Lối lên đỉnh tháp theo hình xoáy trôn ốc với 125 bậc gỗ.

 

 

Hải đăng Hòn Dấu  

 

Ban đầu, tháp đèn được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối với các hoa văn rất đẹp. Tuy nhiên, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đèn đã bị thả bom nhiều lần nên hư hại nặng. Sau này, đèn được xây dựng lại nhưng hầu như vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.

 

Đến đảo, ngoài tham quan hải đăng Hòn Dấu, bạn có thể khám phá hàng loạt các công trình khác như: kho dầu hỏa, nhà làm việc, nhà ở cán bộ, chiến sĩ, nhà ăn, cột báo hiệu, nhà triều ký, nhà hoa tiêu, đền thờ Nam Hải Thần Vương, Hầm xuyên đảo, nhà 8 gian…

 

Hải đăng Kê Gà

 

Hải đăng Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận là ngọn hải đăng được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất.

 

 

Hải đăng Kê Gà

 

Đây là công trình do một kỹ sư người Pháp có tên Chnavat thiết kế, được khởi công xây dựng vào tháng 2/1897, hoàn thành vào cuối năm 1898 và đưa vào hoạt động từ năm 1899.

 

Hải đăng Kê Gà được làm toàn bộ bằng đá có hình bát giác, cao 66m so với mực nước biển. Riêng phần thân tháp là 41m, đường kính 2m, phần đài đặt đèn là 3m, từ chân tháp lên đỉnh được nối bởi 182 bậc cầu thang sắt. Ngọn đèn đặt trong tháp có thể phát sáng xa 22 hải lý (một hải lý khoảng 1,85km).

 

Ngọn hải đăng này với dáng đứng mạnh mẽ, cao vút trên nền trời xanh ngắt như khẳng định vị thế giữa một vùng biển trời tuyệt đẹp, màu xanh ngọc của nước biển hoà cùng màu xanh lơ của mây trời, màu trắng của những bãi cát dài, màu xanh của những rặng thuỳ dương và những ghềnh đá hoa cương trắng hồng đã tạo cho nơi đây một vẻ quyến rũ khó tả, nguyên sơ và bình yên.

 

Hải đăng Đại Lãnh

 

Mũi Đại Lãnh thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên do một tướng người Pháp tên là Varella phát hiện ra. Chính vì thế, Mũi Đại Lãnh còn có tên là mũi Varella. Vào năm 1890, người Pháp đã cho xây dựng ngọn hải đăng cùng tên tại Mũi Đại Lãnh.

 

 

Hải đăng Đại Lãnh

 

Ngọn hải đăng hoạt động được 55 năm, đến năm 1945 thì phải tạm ngừng do vùng Đại Lãnh - Vũng Rô là căn cứ cách mạng trên biển, là nơi tiếp nhận những chiếc tàu không số chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong chiến tranh nên hải đăng bị hủy bỏ, đến năm 1997 mới được khôi phục.

 

Hải đăng Đại Lãnh gồm khối nhà cao 5m với diện tích 320m2, dưới nền nhà có bể ngầm chứa nước mưa, trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho hải đăng chiếu sáng.

 

Leo hết 110 bậc thang xoắn ốc là lên đến đỉnh, nhìn xuống phía dưới biển cả bao la, gió thổi lồng lộng, những vất vả của đoạn đường chinh phục hải đăng dường như tan biến. Ở nơi mây trời gió nước thơ mộng này, lòng người khó thể không yên bình theo cảnh vật!

 

Sẽ rất thú vị khi du khách đứng từ ngọn hải đăng, phóng tầm mắt hướng về phía biển bao la, những mỏm đá với hình thù kì lạ. Một cảm giác rất khó tả ngay sau khi vừa đặt chân đến đỉnh hải đăng, nơi đây cứ như níu kéo du khách ở lại lâu hơn nữa.

 

Dưới chân hải đăng Đại Lãnh là một màu xanh mê hoặc. Ngay bên cạnh chỗ đỗ xe là bãi Môn, một bãi tắm tự nhiên tuyệt đẹp với dải cát trắng mịn. Bãi tắm thêm phần hấp dẫn bởi có một dòng suối nước ngọt từ trên núi chảy ra hòa mình vào biển cả và tất nhiên bạn có thể vừa tắm biển lại vừa có thể đắm mình trong dòng suối nước ngọt trong vắt.

 

Hải đăng Gành Đèn

 

Hải đăng Gành Đèn được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách gành Đá Đĩa khoảng 15 phút đi bộ.

 

Ngọn hải đăng Gành Đèn tuy không nằm quá xa nhưng nó lại nằm trên một dãy núi đá rẽ ra biển, cách xa khu dân cư, ít người tới nên cảnh trí gần như nguyên sơ. Hải đăng Gành Đèn thuộc loại đèn báo cửa, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Yên, định hướng ra vào vịnh Xuân Đài và vụng Chào (thuộc Phú Yên). Tầm hiệu lực (tọa độ địa lý) ban đêm của đèn chiếu sáng đến 17 hải lý, tâm sáng 22,5m.

 

 

Hải đăng Gành Đèn 

 

Ngọn hải đăng này cao 10m, với thân đèn là hai màu đỏ - trắng xen kẽ. Hải đăng dựng trên gành đá được tạo nên từ nhiều tảng đá màu hồng nhạt chồng xếp lên nhau. Phía sát mặt nước gành đá có bờ dốc đứng, từng đợt sóng đánh thẳng vào gành tung bọt trắng xóa. Người dân ở đây cho rằng, có lẽ do vùng này có nhiều gành đá và có ngọn đèn hải đăng nên người ta gọi là Gành Đèn.

 

Hải đăng Gành Đèn có kiến trúc không nổi bật, không lớn và cũng không cổ xưa nhưng bù lại, hải đăng này lại đứng ở vị trí đẹp, trên “rừng đá” sát biển và đường cho du khách đến thuận tiện. Dưới chân ngọn hải đăng có không gian rộng rãi để cắm trại, đặc biệt, do có nhiều gành đá nên nơi đây cũng là địa điểm câu cá lý tưởng cho những ai thích thử làm ngư ông.

 

Hải đăng Vũng Tàu

 

Hải đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh núi Nhỏ thuộc thành phố Vũng Tàu, ở độ cao 170m so với mực nước biển, làm nhiệm vụ báo hiệu, chỉ dẫn cho tàu thuyền qua lại cửa Cần Giờ. Hải đăng được xây dựng lần đầu tiên và khánh thành vào ngày 15/8/1862, sau đó được người Pháp xây lại vào năm 1913 và chuyển từ độ cao 149m ban đầu lên vị trí hiện nay cao khoảng 170m.

 

 

Hải đăng Vũng Tàu 

 

Kiến trúc ngọn hải đăng này là một tháp hình trụ, sơn trắng, cao 18m, đường kính 3m, đèn ở đỉnh tháp chiếu xa 30 hải lý, bên trong có cầu thang xoắn ốc lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công bên ngoài để quan sát toàn cảnh non nước Vũng Tàu. Từ đây, bạn có thể thu vào tầm mắt cả thành phố Vũng Tàu ẩn hiện trong sương, các bãi tắm hình lưỡi liềm, núi Minh Đạm xanh ngát, hay nhìn xuống ngay bên dưới, cả rừng hoa sứ rực sáng làm nổi bật nét kiên cố, vững chãi của toàn bộ cụm tháp.

 

Có thể nói, Hải Đăng Vũng Tàu không chỉ là người bạn tin cậy và trung thành của những người đi biển mà còn trở thành biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu.

 

Chín ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa

 

Hiện nay, trên 21 đảo và điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có 8 ngọn hải đăng thuộc các đảo: Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và hải đăng Nam Yết đang được xây dựng.

 

Hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn

 

Nếu ngọn hải đăng ở đảo Sơn Ca có hình trụ, chân đế xây hình Cột cờ Hà Nội, thì ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây xây hình tháp, còn ngọn hải đăng ở đảo Đá Lát thiết kế theo hình mũi tên. Theo các cán bộ tại đảo, việc xây dựng ngọn hải đăng có hình dạng kết cấu khác nhau tùy thuộc vào địa chất và nền san hô.

 

Ngoài chức năng dẫn đường cho tàu thuyền qua lại khu đường hàng hải quốc tế, mỗi ngọn hải đăng còn là ngọn đèn đánh dấu tọa độ bãi cạn, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực biển của mình trong đêm tối giữa đại dương bao la.

 

Những ngọn hải đăng ấy ở quần đảo Trường Sa không bao giờ tắt như một lời khẳng định đó là cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

 

Theo Kim Ngân  (Quehuong Online)

 


CÁC TIN KHÁC
.